Giá cà phê tiếp tục rơi tự do ngay từ ngày đầu tiên của tháng 11

Ngày đầu tiên của tháng 11, giá cà phê Tây Nguyên tiếp tục rơi tự do, lập đáy mới ở dưới 30 triệu đồng/tấn. Mức giá này không những thấp nhất trong hơn ba năm qua mà còn gần chạm đến điểm hòa vốn của người trồng cà phê.

Phó chủ tịch Hiệp hội Cà phê ca cao VN (Vicofa), cho biết niên vụ cà phê 2013-2014 sẽ thu hoạch rộ vào tháng 11 nên cần phải có kế hoạch điều tiết lượng bán ra một cách hợp lý, tránh làm tăng áp lực giảm giá. “Vicofa sẽ kiến nghị lên Chính phủ sớm triển khai chương trình tạm trữ 300.000 tấn cà phê niên vụ 2013-2014 để giảm nguồn cung ra thị trường. Đồng thời kêu gọi các doanh nghiệp thành viên hạn chế xuất khẩu ồ ạt, thay vào đó nên điều tiết bán ra theo từng tháng ngay từ đầu vụ để giữ giá.

Giá tôm nguyên liệu tăng

Tại vùng ĐBSCL, tôm nguyên liệu các loại liên tục tăng giá trong suốt hơn hai tháng qua, trong đó có sự rượt đuổi giá giữa tôm thẻ và tôm sú cùng kích cỡ. Giá tôm sú kích cỡ 20 – 30 con/kg hiện đang dao động trong khoảng 270.000 – 300.000 đồng/kg, tăng 20.000 – 40.000 đồng/kg so hồi trung tuần tháng 9; Giá tôm thẻ loại 50 – 60 con/kg có giá 170.000 – 185.000 đồng/kg tương đương với giá tôm sú cùng kích cỡ.

Giá gas tăng 18.000 đ/bình 12 kg

Kể từ 7’30 ngày 1/11, giá bán lẻ gas SP tăng 1.500 đ/kg (đã VAT), tương đương mức tăng 18.000 đ/bình 12 kg so với giá đầu tháng 10/2013. Giá bán lẻ tối đa đến tay người tiêu dùng khu vực Tp.HCM là 408.000 đ/bình 12 kg.

Giải thích nguyên nhân giá gas quay đầu tăng trở lại trong tháng 11, Phó trưởng phòng kinh doanh gas của Saigon Petro cho biết lý do SP tăng giá là do giá gas thế giới công bố tháng 11/2013 bình quân là 895 USD/tấn, tăng 60 USD/tấn so với giá tháng 10.

Như vậy, giá gas tháng 11 đã quay đầu tăng trở lại khi vừa mới giảm giá được lần đầu tiên vào tháng 10 sau 4 tháng liên tiếp tăng giá và đây là lần thứ 5 giá gas được điều chỉnh tăng kể từ đầu năm đến nay.

Tăng giá sàn gạo xuất khẩu

Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) vừa công bố điều chỉnh giá tối thiểu gạo xuất khẩu. Cụ thể, giá gạo loại 25% tấm xuất khẩu là 375 USD/tấn/FOB; đóng bao 50 kg/bao, giao tàu và theo tiêu chuẩn chất lượng gạo xuất khẩu Việt Nam. Chênh lệch giá giữa các loại gạo khác do các thương nhân tính toán và quyết định. Giá công bố có hiệu lực từ ngày 25/10/2013.

VFA đề nghị các thương nhân xuất khẩu gạo thực hiện nghiêm mức giá sàn xuất khẩu được cong bố như trên.

Dự báo
Sẽ tổ chức chợ đấu giá cá ngừ

Đề án thí điểm tổ chức khai thác, thu mua, chế biến cá ngừ theo chuỗi, do Tổng cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT) xây dựng. Chợ đấu giá cá ngừ sẽ là một trong những nội dung quan trọng của Đề án này.

Mục tiêu của chợ đấu giá là làm giảm bớt sự phụ thuộc của ngư dân vào nguồn tín dụng đen, các đầu nậu và chủ vựa cá. Đề án sẽ đầu tư đóng mới, hiện đại hóa tàu khai thác cá ngừ, tàu dịch vụ thu mua cá trên biển bằng vỏ thép hoặc vật liệu mới; thí điểm quản lý xuất khẩu cá ngừ đại dương bằng hạn ngạch… Dự kiến đề án sẽ thực hiện ở 3 tỉnh (Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa). Thời gian thực hiện chia làm 2 giai đoạn (2014-2015) và (2016-2020). Theo dự báo, trữ lượng cá ngừ của nước ta khoảng 600 nghìn tấn.

Năm 2013, xuất khẩu tiêu sẽ đạt 130.000 tấn

Theo báo cáo của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) tại Hội nghị phát triển hồ tiêu bền vững 2013, trong giai đoạn 2011-2013, ngành hồ tiêu liên tục tăng trưởng xuất khẩu. Từ sản lượng 118.416 tấn năm 2011 tăng lên mức 125.000 tấn năm 2013, chiếm 50% sản lượng tiêu xuất khẩu của toàn thế giới, với kim ngạch ước đạt 850 triệu USD.

Tiêu Việt Nam hiện được xuất khẩu đến hơn 80 quốc gia, vùng lãnh thổ với giá trung bình tiêu đen là 6.471 USD/tấn, tiêu trắng là 8.911 USD/tấn.

Dự báo năm 2014, tình hình sản xuất hồ tiêu tiếp tục ổn định về giá cả với sản lượng 130.000 tấn và kim ngạch 900 triệu USD.

Tìm kênh xuất khẩu nông sản Việt vào Nam Phi

Tại hội thảo “Cơ hội hợp tác thương mại và đầu tư Việt Nam –Nam Phi” do Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam chi nhánh Cần Thơ tổ chức ngày 30-10, Đại sứ quán Nam Phi tại Việt Nam ông Adriaan du Pisanie cho biết, gạo và thủy sản Việt Nam đang chiếm tỉ trọng nhập khẩu của Nam Phi không nhiều. Nam Phi chủ yếu nhập gạo Ấn Độ do giá rẻ hơn.

Theo Giám đốc Công ty lương thực Sông Hậu, mặt hàng gạo Việt Nam cạnh tranh không bằng gạo Ấn Độ là do chi phí vận chuyển cao, hàng hóa không thể xuất khẩu trực tiếp mà phải thông qua bên thứ ba (công ty đa quốc gia). Do đó, cơ quan chức năng Nam Phi cần giới thiệu các đầu mối có nhu cầu nhập khẩu tiếp gạo Việt Nam.

Nhiều doanh nghiệp khác cũng bày tỏ mong muốn nhận được sự hỗ trợ từ phía Đại sứ quán Nam Phi tại Việt Nam trong việc tìm các đầu mối có nhu cầu nhập khẩu trực tiếp các mặt hàng nông sản Việt Nam như gạo, các sản phẩm từ dừa, thủy sản…

Nguồn: Vinanet