Theo số liệu của Bộ Công Thương Nam Phi, doanh thu bán hàng may mặc của quốc gia này trong giai đoạn 1999-2004 đã tăng 55% đối với hàng quần áo nam và 40% đối với hàng cho nữ. Thị hiếu của người tiêu dùng cũng khác biệt theo màu da và tầng lớp trong xã hội. Trong khi người da đen thích những loại quần áo nhiều màu sắc, rẻ tiền như quần bò, áo phông thì người da trắng thích những tông màu nhạt, thanh nhã. Nhu cầu hàng dệt may được đáp ứng bởi lượng hàng hóa sản xuất trong nước và cả hàng nhập khẩu.
1. Nhu cầu và tình hình sản xuất
Với tốc độ tăng trưởng kinh tế cao ở nhiều nước, mức thu nhập của người châu Phi đã được cải thiện đáng kể. Do đó, nhu cầu đối với những mặt hàng tiêu dùng, như hàng dệt may, giày dép, các sản phẩm điện tử…ngày càng cao. Trong đó, mặt hàng may mặc nói riêng đánh dấu sự gia tăng tiêu thụ khá mạnh. Có thể thấy một ví dụ điển hình ở Nam Phi. Theo số liệu của Bộ Công Thương Nam Phi, doanh thu bán hàng may mặc của quốc gia này trong giai đoạn 1999-2004 đã tăng 55% đối với hàng quần áo nam và 40% đối với hàng cho nữ. Thị hiếu của người tiêu dùng cũng khác biệt theo màu da và tầng lớp trong xã hội. Trong khi người da đen thích những loại quần áo nhiều màu sắc, rẻ tiền như quần bò, áo phông thì người da trắng thích những tông màu nhạt, thanh nhã. Nhu cầu hàng dệt may được đáp ứng bởi lượng hàng hóa sản xuất trong nước và cả hàng nhập khẩu.
Sản xuất các sản phẩm dệt may là một ngành quan trọng trong nền kinh tế của nhiều nước châu Phi trong việc ra tạo công ăn việc làm, đặc biệt là tại các nước có sẵn nguồn nhân công giá rẻ. Ước tính 98% lao động làm việc trong ngành chế biến chế tạo của Lesotho là công nhân ngành dệt may. Đây còn là nguồn thu ngoại tệ lớn thông qua hoạt động xuất khẩu và gia công xuất khẩu. Xuất khẩu hàng may mặc chiếm một nửa kim ngạch xuất khẩu của Ma-đa-gat-xca và 75% của Lesotho. Hiệp định đa sợi (MFA) có hiệu lực năm 1974 cho phép các nước nhập khẩu khối lượng lớn hàng dệt may (chủ yếu là những nước công nghiệp) đàm phán áp dụng hạn ngạch song phương lên hàng nhập khẩu từ các nước xuất khẩu dệt may (phần lớn là các nước đang phát triển). Mỹ, Canada và nhiều nước phát triển khác đã áp hạn ngạch nhập khẩu dệt may lên rất nhiều nước. Trong khi đó, với năng lực sản xuất hạn chế, các nước sản xuất hàng dệt may ở châu Phi như Swaziland, Lesotho và Ma-đa-gat-xca đã thu hút được những khoản đầu tư khổng lồ từ các công ty dệt may châu Á và Nam Phi để sử dụng hết hạn ngạch ưu đãi được hưởng. Ngoài ra, 19 nước châu Phi còn được hưởng điều khoản ưu đãi theo Đạo luật Tăng trưởng và phát triển châu Phi (AGOA) trong đó quy định các quốc gia được xếp là chậm phát triển có thể nhập khẩu nguyên phụ liệu dệt may có xuất xứ từ bất kỳ một nước thứ ba để sản xuất hàng xuất khẩu sang Mỹ và EU với thuế suất bằng không. Trong giai đoạn 2000-2004, xuất khẩu dệt may của các nước như Lesotho và Ma-đa-gat-xca đã tăng gấp đôi, hàng chục nghìn người lao động có việc làm trong các nhà máy may mới xây dựng. Tuy nhiên, từ ngày 1/1/2005, hệ thống hạn ngạch theo Hiệp định đa sợi được dỡ bỏ, chấm dứt thời kỳ hoàng kim của ngành sản xuất dệt may tại châu Phi. Nhiều công ty châu Á đã ồ ạt rút đầu tư để quay về nước xuất khẩu trực tiếp. Không còn lợi thế cạnh tranh từ hệ thống hạn ngạch cũng như từ những khoản đầu tư nước ngoài, các sản phẩm dệt may của các nước châu Phi đang ngày càng phải cạnh tranh gay gắt hơn với hàng từ các nước châu Á như Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan, Đài Loan, Malaysia, Indonexia và Bắc Triều Tiên ngay trên thị trường nội địa và thị trường xuất khẩu.
2. Tình hình nhập khẩu
Mặt hàng dệt được nhập khẩu chủ yếu đáp ứng cho hoạt động sản xuất hàng may mặc còn đồ may mặc nhập khẩu phục vụ cho nhu cầu tiêu thụ của người tiêu dùng. Có một thực tế là mặc dù sản xuất hàng dệt may nhiều nhưng năng lực sản xuất của các nước này không đủ đáp ứng cho hoạt động gia công hàng xuất khẩu. Ngoài ra, giá cả các sản phẩm dệt và nguyên phụ liệu dệt may sản xuất nội địa thường cao gấp 2 đến 3 lần so với hàng hóa cùng chủng loại nhập khẩu từ các nước châu Á, chủ yếu là Trung Quốc, Đài Loan và Indonexia. Do đó, các quốc gia sản xuất hàng may mặc đều phải nhập khẩu phần lớn nguyên phụ liệu từ nước ngoài để giảm chi phí giá thành sản phẩm.
Bảng: Kim ngạch nhập khẩu hàng dệt may của châu Phi
Năm
2003
2004
2005
2006
Sản phẩm dệt (tỷ USD)
8,1
9,5
9,5
10,6
Sản phẩm may (tỷ USD)
3
4
4,4
4,6
Tổng (tỷ USD)
11,1
13,5
13,9
15,2
Nguồn: WTO International Trade Statistics 2007
Trong giai đoạn 2003-2006, trung bình kim ngạch nhập khẩu hàng dệt tăng 9,7 % và cả nhóm hàng dệt may tăng khoảng 10%/năm. Năm 2006, trị giá nhập khẩu hàng dệt may đạt 15,2 tỷ USD, tăng 9% so với năm 2005. Các nhà cung cấp chính gồm các nước thuộc khu vực châu Á (9,4 tỷ USD) như Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan, trong đó riêng Trung Quốc là 6,7 tỷ USD, châu Âu (5,7 tỷ USD, gồm Đức, Anh, Pháp) và các nước khác (Mỹ).
Các nước nhập khẩu dệt may nhiều nhất là Marốc, Nam Phi, Tuynidi và Ai Cập. Chỉ tính riêng kim ngạch của bốn quốc gia này, kim ngạch nhập khẩu hàng dệt may năm 2006 đã đạt 7,6 tỷ USD, chiếm 50% tổng kim ngạch nhập khẩu hàng dệt may của toàn châu Phi.
Qua biểu trên có thể thấy kim ngạch nhập khẩu hàng dệt vẫn chiếm tuyệt đối so với hàng may mặc. Các nước nhập khẩu chủ yếu là những nước có nền sản xuất dệt may phát triển từ lâu và hiện vẫn đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế quốc dân với vai trò là một ngành sản xuất mang lại nhiều công ăn việc làm cũng như ngành xuất khẩu mang lại ngoại tệ.
 
Thị trường hàng dệt may Nam Phi
Hiện nay nước nhập khẩu hàng may mặc nhiều nhất Châu Phi là Nam Phi. Tại châu Phi chỉ có Nam Phi và Mauritius có thể sản xuất được một số mặt hàng dệt và nguyên phụ liệu phục vụ cho ngành may mặc. Đây là lí do tại sao nhập khẩu các sản phẩm dệt của Nam Phi lại thấp nhất trong số các nước đứng đầu về nhập khẩu dệt may ở châu Phi.
Trước đây, ngành dệt may chủ yếu tập trung vào sản phẩm thay thế nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước. Năm 2004, ngành dệt may đóng góp 34 tỷ Rand (khoảng gần 6 tỷ USD) vào doanh thu các sản phẩm chế tạo, trong đó 51% là của ngành dệt và 49% là đóng góp của ngành may mặc. Hiện có khoảng gần 2.000 công ty trong lĩnh vực dệt may, mang lại việc làm cho khoảng 150.000 lao động, tương đương 12% tổng số lao động trong ngành chế tạo của Nam Phi. Các cơ sở sản xuất hàng dệt may chủ yếu tập trung vào bốn khu vực chính là các tỉnh Western Cape, KwaZulu-Natal, Free State và Gauteng.
Trước đây, thị trường dệt may được Chính phủ bảo hộ cao. Tuy nhiên, sau khi gia nhập WTO năm 1994, trước áp lực tự do hóa kinh tế, Nam Phi buộc phải mở cửa thị trường hàng tiêu dùng nội địa cho nước ngoài. Làn sóng các loại hàng dệt may giá rẻ chất lượng đa dạng từ Trung Quốc, Ấn Độ và những nước châu Á khác đã đặt ngành dệt may Nam Phi vào thế điêu đứng. Các nhà máy trong nước năng suất thấp hơn và không thể cạnh tranh về giá, hơn 55.000 lao động mất việc làm. Hàng nhập khẩu đã tràn vào và chiếm từ 60 đến 70% tổng các sản phẩm có mặt trên thị trường.
Các sản phẩm dệt nhập khẩu chính là bông, vải sợi dệt, sợi tổng hợp nhân tạo, vải bông dệt. Về hàng may mặc, các sản phẩm nhập khẩu được làm từ vải dệt kim và những chất liệu nhẹ được ưa chuộng, chủ yếu là thời trang dành cho nữ. Người dân Nam Phi không quá cầu kỳ trong ăn mặc. Những nhà xuất khẩu chính vào thị trường Nam Phi là Trung Quốc, Ấn Độ, Đài Loan và Hồng Kông, trong đó hàng dệt may của Trung Quốc đã chiếm lĩnh đến 55% thị phần. Ngoài ra phải kể đến sự hiện diện không nhỏ của các nhà đầu tư nước ngoài tại đây dưới hai hình thức: đặt nhà máy sản xuất trực tiếp và thông qua hợp đồng ủy thác. Một số nhà máy của các tên tuổi lớn đã được đặt tại Nam Phi như Toga Liing (Pháp), Mark & Spencer (Anh), Gap, Tommy Hilfiger (Mỹ)…

Với tầm quan trọng mang tính kinh tế và xã hội , ngành dệt may tiếp tục nhận được sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ Nam Phi thông qua các mức thuế nhập khẩu khá cao, từ 12% đến 32,5% tùy loại sản phẩm. Hiện chỉ có một số nước được hưởng mức ưu đãi thuế theo các Hiệp định mà Nam Phi ký kết song phương và đa phương như AGOA (19 nước châu Phi ký với Mỹ), Hiệp định thương mại tự do Nam Phi với EU, 13 thành viên của khối SADC và 4 nước còn lại trong khối SACU.
Chính sách mới của Nam Phi liên quan đến nhập khẩu dệt may đang có ảnh hưởng rất lớn đến các doanh nghiệp xuất khẩu hàng dệt may nước ngoài, trong đó có Việt Nam. Từ 1/1/2007, Nam Phi áp dụng cơ chế hạn ngạch tự vệ đối với hàng dệt may có xuất xứ từ Trung Quốc, với thời hạn kéo dàí đến 31/12/2008 .
Mặt khác, Bộ Công Thương Nam Phi đang có kế hoạch sửa đổi thuế nhập khẩu các mặt hàng dệt (nguyên liệu đầu vào của may mặc) theo chiều hướng giảm thuế nhập khẩu. Nguyên nhân là do Nam Phi muốn hỗ trợ ngành công nghiệp may mặc trong nước. Thực tế là sau khi Nam Phi áp dụng biện pháp tự vệ, áp hạn ngạch đối với hàng dệt may từ Trung quốc, các doanh nghiệp kinh doanh và bán lẻ hàng may mặc của Nam Phi đã chuyển sang nhập khẩu hàng may mặc từ các nước khác. Do vậy, Bộ Công Thương đang xem xét giảm thuế nhập khẩu hàng dệt (ngành dệt trong nước không đáp ứng được nhu cầu nguyên liệu cho ngành may mặc), để giảm chi phí đầu vào, tăng sức cạnh tranh của hàng may mặc sản xuất tại Nam Phi.

Nguồn: Vinanet