Báo cáo của Cục Thống kê Tp.HCM cho thấy sản xuất công nghiệp tháng 8 tăng chậm lại so với tháng 7, còn đầu tư nước ngoài so với tháng 7 chỉ tăng có 32 triệu USD.

Công nghiệp 8 tháng có mức tăng thấp hơn tháng trước, ước tính đạt 258.867 tỷ đồng, tăng 13,1% (7 tháng tăng 13,2%) trong đó công nghiệp nhà nước địa phương có mức tăng thấp nhất, cao nhất vẫn là khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, khu vực ngoài nhà nước có mức tăng giảm nhiều so cùng kỳ. Riêng tháng 8 giá trị sản xuất đạt 34.896 tỷ đồng, tăng 1,8% so với tháng 7 và tăng 12,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Có 22/27 ngành sản xuất tăng, trong đó có 11 ngành tăng cao hơn mức bình quân chung. Năm ngành giảm là : khai thác than, dệt, chế biến gỗ, sản xuất kim loại, và tái chế; trong đó dệt là ngành chiếm tỷ trọng cao (5,1%) và liên tục giảm từ đầu năm đến nay; ngành kim loại giảm so với 8 tháng đầu năm 2007 do công ty thép Miền Nam có sự quy hoạch lại.

Riêng ngành thực phẩm đồ uống đạt mức tăng khá cao 14,1% (chủ yếu do sản phẩm bia rượu tăng cao), ngành điện điện tử tăng  32,9%; sản xuất ô tô đang tăng chậm lại (29,7% so với mức 7 tháng 41,6%) do ảnh hưởng của xe nhập khẩu và chính sách thuế của Nhà nước. Một số ngành lớn khác như : may, hoá chất, cao su plastic, thiết bị điện đều có mức tăng thấp hơn mức tăng chung.

Đầu tư nước ngoài chỉ tăng 32 triệu USD.

Tính đến 15/8, đã có 327 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký là 7.614 triệu USD, vốn pháp định 1.631 triệu USD. Có 93 dự án liên doanh, vốn đầu tư 6.551 triệu USD và 234 dự án 100% vốn nước ngoài, vốn đầu tư 1.062 triệu USD. So cùng kỳ năm trước, số dự án tăng 27,2%, số vốn đầu tư tăng 9 lần.

Số dự án được điều chỉnh vốn để mở rộng sản xuất kinh doanh là 85 dự án với số vốn tăng thêm là 130,7 triệu USD. Như vậy tổng vốn đầu tư trong 8 tháng đầu năm đạt 7.744 triệu USD (cùng thời điểm này năm 2007 chỉ đạt 970,9 triệu USD). Nhưng so với thời điểm 15/7 thì chỉ tăng có 32 triệu USD.

Ngành kinh doanh bất động sản và dịch vụ tư vấn vẫn là hai lĩnh vực được quan tâm nhiều nhất với 155 dự án đầu tư, tổng vốn 7.078 triệu USD, chiếm 93% tổng vốn đầu tư; ngành xây dựng 65 dự án, với vốn đầu tư 54,6 triệu USD. Ngành công nghiệp 39 dự án, vốn đầu tư 44,4 triệu USD. Ngành thương mại 39 dự án, vốn đầu tư 24,8 triệu USD.

Chủ đầu tư đa số đến từ Hàn Quốc 88 dự án, vốn đầu tư 57,4 triệu USD; Singapore 44 dự án, vốn đầu tư 1.921 triệu USD. Đài Loan 21 dự án, vốn đầu tư 24,2 triệu USD. Malaysia 21 dự án, vốn đầu tư 4.768 triệu USD. Nhật Bản 29 dự án, vốn đầu tư 625,5 triệu USD…

Số dự án còn hiệu lực hoạt động trên địa bàn 2.963 dự án với tổng vốn đầu tư 24.940 triệu USD (cùng thời điểm năm 2007 có 2.416 dự án, tổng vốn đầu tư 15.481 triệu USD).

(CafeF)

 

Nguồn: Vinanet