Giá bông thế giới giảm khá mạnh. Tính tới cuối tháng 10, giá bông đã giảm khoảng 33% đối với hợp đồng giao kỳ hạn tháng 12/2008, giảm từ 70,18 US cent/lb xuống 46,67 US cent/lb. Giá bông giao kỳ hạn tháng 03/2009 cũng 20% và so với tháng 9 và giảm tới 33% so với thời điểm tháng 8. Sản lượng bông thế giới tăng và giá sợi nhân tạo giảm nhờ dầu mỏ giảm giá đã làm dịu lại thị trường bông thế giới trong tháng qua.
Uỷ ban Tư vấn Bông Quốc tế (ICAC) dự báo các nhà máy bông thế giới sẽ tiêu thụ tổng cộng 26,2 triệu tấn bông trong năm 2008/09, giảm 1% so với năm trước, do tăng trưởng kinh tế thế giới chậm lại. Mức tăng tiêu thụ bông thế giới dự báo sẽ giảm 0,33% trong năm 2008, so với mức tăng 1,47% năm ngoái.
Các nước đang phát triển chiếm tới 60% tiêu thụ sản phẩm dệt may toàn cầu. Kinh tế thế giới suy yếu, với tổng sản phẩm quốc nội ở các nước đang phát triển dự kiến giảm xuống 6,7% trong năm nay, so với mức 7,8% năm 2007 sẽ làm giảm tốc độ tăng tiêu thụ các sản phẩm dệt may của nhóm quốc gia này từ 4% xuống 2%.
Giá sợi tổng hợp đang trở nên có sức cạnh tranh hơn so với sợi cotton. So với cùng kỳ năm ngoái, giá bông hiện tại đã giảm 27%, và giá các loại sợi tổng hợp như polyester, viscose… cũng đã giảm khá mạnh từ 30 – 50% so với hồi tháng 7. Nguyên nhân của đợt giảm giá này là giá dầu thô đã giảm hơn 50% so với hồi đỉnh cao tháng 7 và giảm hơn 15% so với thời điểm tháng trước. Tính đến ngày 1/11/2008 giá dầu thô chỉ còn ở mức 63 USD/thùng và thấp hơn rất nhiều so với mức đỉnh cao 150 USD/thùng hồi tháng 7. Giá sợi tổng hợp có quan hệ chặt chẽ với giá dầu mỏ. Tuy nhiên, với các công nghệ sản xuất được cải thiện, không những ảnh hưởng trực tiếp của giá dầu thô đối với sản lượng và giá sợi tổng hợp ngày càng giảm xuống, mà giá sợi tổng hợp cũng ngày càng rẻ hơn. Giá dầu đã liên tục giảm trong mấy tháng qua, đem lại hy vọng giảm giá sợi tổng hợp hơn nữa trong những tháng tới.
Tuy giá dầu giảm nhiều so với mức đỉnh cao, song vẫn cao hơn nhiều so với mấy năm trước đây, làm tăng các chi phí khác của ngành dệt may. Hơn nữa, kinh tế thế giới, đặc biệt là Mỹ, suy yếu càng gây ảnh hưởng tới xuất khẩu hàng dệt may của các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là các nước châu á. Các công ty dệt may ở ấn Độ và Trung Quốc, cũng như nhiều nơi khác ở Đông Nam á và Trung á đều đang cảm nhận được những tác động này. Và người tiêu dùng phải mua quần áo với giá cao nhiều so với chỉ một năm trước đây, và tình cảnh này dự kiến chưa thể sớm chấm dứt.
Các số liệu thống kê chính thức của Mỹ cho thấy trong 8 tháng đầu năm 2008, Mỹ nhập khẩu 61,6 tỷ USD hàng dệt và may mặc, giảm 3,68% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, giá trị hàng dệt may của Trung Quốc xuất sang thị trường Mỹ giảm 1,72%, còn 20,6 tỷ USD; Pakixtan giảm 4,67%; Sri Lanca giảm 9,9%; Mexico giảm 11,5%; ấn Độ giảm 1,56%; Italia giảm 3,38%.... Xuất khẩu hàng dệt và quần áo của Việt Nam tăng 21,93% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 3,536 tỷ USD; xuất khẩu của Băngladesh cũng tăng 6,17%.
Hiện tại, các nước cung cấp chính đang phụ thuộc nặng nề vào thị trường may mặc Mỹ và EU. Chẳng hạn, xuất khẩu sang Mỹ chiếm tới 55% tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt nam. Khoảng 1 nửa xuất khẩu dệt may của Pakistan là vào Mỹ. ấn Độ và Bănglađét cũng xuất khẩu mặt hàng này chủ yếu sang hai thị trường dệt may hàng đầu thế giới này. Kinh tế Mỹ và EU yếu đi làm cho các đơn hàng mua của họ thấp hơn.
Hàng dệt may xuất khẩu của Trung Quốc đang mất dần sức cạnh tranh so với các nước sản xuất hàng dệt may khác của châu á, do nhu cầu từ thị trường Mỹ giảm, các quy định mới của chính phủ Trung Quốc đối với các nhà sản xuất, chi phí lao động tăng và đồng nhân dân tệ tăng giá so với đồng USD. ở Trung quốc, chi phí lao động tăng khi luật mới sẽ bảo vệ công nhân hơn, về lý thuyết sẽ dẫn đến tăng chi phí. Việc tăng giá đồng NDT khiến các nhà xuất khẩu Trung quốc phải chuyển sang các sản phẩm có chất lượng và giá cao hơn bên cạnh việc mở rộng thị trường của mình sang các nước khác. Do đó, trong bối cảnh hiện nay hàng dệt may của Trung Quốc càng mất đi lợi thế.
Theo số liệu thống kê, doanh số bán hàng dệt may của Trung Quốc tại các thị trường nước ngoài 7 tháng đầu năm 2008 đã tăng chậm lại ở mức một con số, so với mức tăng 24,4% cùng kỳ năm ngoái, và vẫn đang tiếp tục giảm. Xuất khẩu sản phẩm dệt may của Trung Quốc 9 tháng đầu năm nay chỉ tăng 8,1% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi mức tăng trưởng của cùng kỳ năm ngoái là 11,9%, đạt 136 tỷ USD. Dự kiến xuất khẩu sản phẩm dệt may của Trung Quốc sẽ còn tiếp tục tăng chậm lại, với mức tăng trưởng ở thời điểm cuối năm 2009 sẽ chỉ đạt 4,26%, so với mức 19,96% giữa năm 2008, do đồng Euro giảm giá và nền kinh tế EU suy yếu.
Trong khi đó, các nhà sản xuất hàng dệt may Mỹ đang yêu cầu chính phủ nước này giám sát sản phẩm dệt may nhập khẩu từ Trung Quốc để tránh phải cạnh tranh không công bằng với các sản phẩm nhập khẩu đó khi chế độ hạn ngạch nhập khẩu được xóa bỏ vào cuôốinăm nay. Thỏa thuận về hạn ngạch giữa Washington và Bắc Kinh vào năm 2005 sẽ hết hạn khi kết thúc năm 2008, khiến ngành dệt may Mỹ lo ngại sản phẩm dệt may giá rẻ của Trung Quốc sẽ cạnh tranh mãnh liệt trên sân nhà của Mỹ.
Xu hướng hiện nay cho thấy, các nước Nam á và Đông Nam á đã nổi lên thành nguồn cung quan trọng đối với các khách hàng Mỹ và EU.
Giá bông thế giới US cent/lb:
Kỳ hạn
01/11/2008
02/10/2008
03/09/2008
01/11/2007
+/- (%)
T12/2008
46,67
58,34
70,18
63,87
-26,93
T03/2009
50,70
62,77
74,76
68,58
-26,07
 

Nguồn: Vinanet