Các hãng tàu còn lại cho biết vẫn nhận hàng nhưng container có thể bị nằm chờ tại cảng Singapore từ 1 đến 2 tuần trước khi được xếp lên tàu mẹ để đến cảng đích. Trước đây trung bình hàng hoá mất khoảng 19 – 22 ngày để đến các cảng Rotterdam, Hamburg, Antwerp... nhưng bây giờ có doanh nghiệp phải cộng thêm hơn 10 ngày cho ngày hàng hoá dự kiến đến.

Một doanh nghiệp xuất hàng gỗ đi châu Âu cho biết, có tình trạng thiếu chỗ do năm nay mùa xuất hàng gỗ đến muộn. Mọi năm hàng gỗ bắt đầu xuất vào tháng 10 và đi rải rác đến tháng 5 năm sau, tuy nhiên năm nay đến tháng 12 nhiều doanh nghiệp mới bắt đầu xuất đơn hàng đầu tiên. Hàng gỗ cộng với các mặt hàng khác xuất mạnh vào cao điểm cận tết khiến tình trạng kẹt tàu mẹ thêm nghiêm trọng. Doanh nghiệp kể trên cho biết vừa chạy vạy kiếm được chỗ cho 20 container loại 40 feet đi cảng Rotterdam từ TP.HCM và Quy Nhơn, nhưng phải chấp nhận hàng đến cảng trung chuyển Singapore nằm lại ít nhất một tuần. Thông tin từ hãng tàu cho biết do trong tháng 1.2010 có một đợt tăng giá mới trên tuyến từ Việt Nam đi các cảng châu Âu, thêm khoảng 250 USD cho một TEU, nên các doanh nghiệp tranh thủ xuất hàng trước ngày 15.1.

Một trong những nguyên nhân khác là từ đầu năm, các hãng tàu đã cắt giảm số lượng lớn tàu khai thác để hạn chế nguồn cung. Cho đến mùa cao điểm hiện nay, họ vẫn giữ nguyên kế hoạch cắt giảm số lượng chỗ khai thác nhằm đẩy giá cước tăng để bù đắp những khoản lỗ trong năm. Hiện nay giá cước cho một container loại 40 feet đã tăng gần 1.000 USD so với thời điểm tháng 9. Hiện nay, giá cước container loại 40 feet là 3.200 tới 3.500 USD cho hàng đi châu Âu, tuỳ theo hãng tàu.

Trên đường vận chuyển đến tay người tiêu dùng, các container hàng hoá của Việt Nam phải cạnh tranh với Trung Quốc để có chỗ trên tàu mẹ. Lịch trình của một tàu mẹ thường ghé các cảng Trung Quốc nhận hàng trước khi đến cảng trung chuyển Singapore. Một khi hàng Trung Quốc quá nhiều và được xếp đầy tàu thì lẽ dĩ nhiên hàng trung chuyển của Việt Nam sẽ rớt lại các chuyến tàu sau.

Vào mùa cao điểm khi tàu thiếu chỗ, các hãng tàu thường ưu tiên xếp hàng hoá nào có hiệu quả kinh tế nhất cho họ. Theo các hãng tàu, giá cước từ một vài cảng Trung Quốc đi châu Âu thậm chí còn rẻ hơn từ Việt Nam đi châu Âu, thế nhưng hàng của họ vẫn được ưu tiên xếp trước. Lý do là dù giá cước từ Việt Nam cao hơn nhưng hãng tàu phải trả phí trung chuyển, nên xét về lợi nhuận từ vận chuyển hàng Trung Quốc vẫn cao hơn. Hiện nay các doanh nghiệp đang chờ đợi khả năng một số hãng tàu sẽ đưa tàu mẹ vào cảng nước sâu khu vực sông Thị Vải để nhận hàng trực tiếp đi châu Âu. Khi đó các doanh nghiệp không phải mệt mỏi vì điệp khúc mùa cao điểm tăng giá rớt hàng như hiện nay.

Nguồn: Vinanet