Một trong những chi phí lớn nhất đối với sản xuất lúa gạo nói riêng và sản xuất nông nghiệp nói chung đó là phân bón. Giảm chi phí phân bón là hạ giá thành sản phẩm là giảm gánh nặng cho nông dân và mang lại lợi ích đáng kể cho họ.
Sản xuất nông nghiệp nước ta, hằng năm sử dụng khoảng tám triệu tấn phân hóa học các loại, trị giá hàng trăm nghìn tỷ đồng. Chi phí cho việc vận chuyển, bốc xếp, lưu kho phân bón chiếm khoảng 10-15%. Nếu như ta làm tốt khâu lưu thông phân phối giảm chi phí phân bón so với hiện nay khoảng 3-5% sẽ tiết kiệm và làm lợi cho nông dân nhiều tỷ đồng trong một năm.
Thời gian qua, việc kinh doanh phân bón theo cơ chế thị trường, có rất nhiều doanh nghiệp tham gia cung ứng phân bón. Việc cung ứng chưa có một mô hình kinh tế rõ rệt, mạnh ai nấy làm, cung ứng còn manh mún, tản mạn, còn qua nhiều tầng nấc trung gian làm tăng chi phí, đẩy giá bán lên cao. Kể cả doanh nghiệp Nhà nước được hỗ trợ đầu vào, có nhiều lợi thế cạnh tranh, nhưng cũng chưa tổ chức được hệ thống cung ứng phân bón hoàn thiện, bảo đảm giá bán đến nông dân và mang lại hiệu quả.
Mặt khác, giá bán phân bón u-rê từ sản xuất trong nước luôn mâu thuẫn với giá nhập khẩu, bộc lộ nhiều yếu kém đã và đang gây khó khăn cho nông dân. Thị trường phân bón thường bị cắt khúc, việc cạnh tranh thiếu bình đẳng, do vẫn còn có sự bao cấp của Nhà nước. Việc vận chuyển phân bón bắc - nam còn vô lý, khi thì vận chuyển từ phía nam ra phía bắc và ngược lại cùng một loại phân bón trong khoảng thời gian gần nhau gây lãng phí cục bộ, đẩy giá bán lên.
Vấn đề đặt ra là cần tổ chức lại hệ thống mạng lưới cung ứng phân bón từ trung ương đến địa phương, từ cảng nhập (hoặc nơi sản xuất) đến người sử dụng theo cơ chế thị trường trong bối cảnh hội nhập toàn cầu, đáp ứng yêu cầu nền sản xuất hiện đại, nhằm khắc phục tình trạng quá nhiều tầng nấc trung gian trong cung ứng phân bón, đã đẩy giá bán phân bón tăng cao.
Do cơ chế kinh doanh cung ứng phân bón nước ta hiện nay được hình thành từ hai nguồn: sản xuất trong nước được Nhà nước hỗ trợ một phần đầu vào như giá khí đồng hành và giá than. Do đó giá thành phân đạm u-rê sản xuất trong nước thấp hơn nhiều so với giá thế giới. Doanh nghiệp sản xuất có nhiều lợi thế cạnh tranh so với doanh nghiệp nhập khẩu và sản xuất phân u-rê hiện nay là siêu lợi nhuận. Nguồn phân bón từ nhập khẩu chiếm gần 50% lại hoàn toàn phụ thuộc và thường xuyên bị động bởi giá thế giới và giá nhập khẩu rất cao, luôn gây khó khăn cho doanh nghiệp nhập khẩu, vì không có khả năng cạnh tranh.
Việc dung hòa hợp lý giữa giá bán phân bón trong nước và phân bón nhập khẩu, nhất là phân đạm u-rê là một việc khó khăn và phức tạp. Nếu giá bán phân đạm sản xuất trong nước thấp hơn giá thế giới thì không ai dám nhập khẩu, sẽ gây thiếu hụt nguồn cung. Ngược lại, nếu giá bán cao thì các doanh nghiệp đều có lãi, nhưng lại trút hết khó khăn cho người nông dân phải chịu và thực tế đã chứng minh điều này.
Như vậy, cần thiết lập một hệ thống phân phối phân bón bảo đảm lợi ích cộng đồng trong dây chuyền cung ứng đó là: người sản xuất phân bón, người nhập khẩu và nông dân cho hợp lý thì thị trường phân bón mới ổn định. Ðây là bài toán về tổ chức hệ thống cung ứng mang tính khoa học và thực tiễn cao. Ðòi hỏi các nhà quản lý, các doanh nghiệp và Hiệp hội phân bón đồng sức mới làm được. Ðặc biệt là Hiệp hội phân bón Việt Nam giữ vai trò chủ đạo là trung tâm, trong việc tập hợp các lực lượng để bảo đảm việc cung ứng có hiệu quả.
Trước mắt, cần tổ chức ngay việc bao tiêu phân đạm từ sản xuất trong nước, bao gồm từ bốn đến năm doanh nghiệp nhập khẩu phân bón lớn phối kết hợp nhà máy sản xuất phân đạm trong nước để hình thành một hệ thống cung ứng phân đạm xuyên suốt đến người sử dụng, thống nhất một giá bán phân đạm phù hợp từng vùng cung ứng. Các nhà sản xuất phân bón kết hợp với các nhà nhập khẩu trong việc tổ chức mạng lưới cung ứng sẽ bảo đảm được lợi ích hài hòa của nhau.
Quan trọng nhất là bảo đảm được nguồn cung phân đạm vững chắc cho sản xuất nông nghiệp; dung hòa hợp lý giữa giá bán phân đạm từ sản xuất trong nước và nhập khẩu; khắc phục tình trạng vận chuyển phân bón bắc - nam còn nhiều bất cập, tiết kiệm được chi phí lưu thông, hạ giá bán phân bón cho nông dân.
Trên cơ sở tổ chức mạng lưới cung ứng, các ngân hàng thương mại sẽ tạo điều kiện đáp ứng đủ vốn vay kịp thời để bảo đảm cho hệ thống cung ứng phân bón này phát huy có hiệu quả, phục vụ đắc lực cho sản xuất nông nghiệp và nông dân.
 

Nguồn: Nhân Dân