Tại thời điểm này, toàn tổng công ty tiêu thụ đạm urê chỉ bằng 53% so với cùng kỳ, phân lân bằng 48% cùng kỳ, phân NPK bằng 26% cùng kỳ.

Nhiều nguyên nhân đã tác động làm nhu cầu phân bón sụt giảm: Do ảnh hưởng của đợt mưa lũ lịch sử vừa qua làm diện tích vụ Đông giảm, nhu cầu phân bón giảm theo. Phía Nam, lúa đang thừa nhiều, nông dân không bán được lúa để mua phân bón cho vụ Đông Xuân 2009. Hơn nữa, giá phân bón đang tiếp tục giảm nên nông dân cũng nảy sinh tâm lý chờ giá xuống mới mua. Nạn phân bón kém chất lượng, phân bón giả của một số doanh nghiệp tư nhân vừa bị phanh phui cũng tác động xấu đến tâm lý nên người tiêu dùng khiện nông dân hạn chế sử dụng vì sợ mua phải phân bón giả.

Những nguyên nhân đó làm ảnh hưởng trực tiếp đến tiêu thụ phân bón của các doanh nghiệp thuộc Tổng công ty Hóa chất. Hệ thống dịch vụ phân phối phân bón cũng phải hạn chế dự trữ trong khi giá nguyên liệu và phân bón nhập khẩu đang giảm.

Hiện nay ngành phân bón đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, sản xuất ra tiêu thụ chậm, tồn kho lớn. Trong khi giá cả nguyên liệu đầu vào từ đầu năm đến nay biến động và tăng cao.

Cũng trong năm nay, giá thành sản xuất phân bón, đặc biệt là sản xuất supe lân, NPK bị sức ép lớn do sự tăng giá liên tục của nguyên liệu nhập khẩu. Trong năm 2008, có thời điểm giá kali tăng lên gấp 4 lần (tháng 10-2008 lên đến 1000USD/tấn), giá urê biến động tăng 3 lần (tháng 6/2008 lên tới 760USD/tấn), giá DAP biến động tăng gần 5 lần (tháng 5/2008 lên tới 1000USD/tấn), giá lưu huỳnh tăng 12 lần (tháng 6/2008 tăng lên 850USD/tấn)…

Trong khi đó, thực hiện nghiêm túc giải pháp kiềm chế lạm phát của chính phủ, các doanh nghiệp sản xuất phân bón thuộc Tổng công ty Hóa chất đã làm tốt công tác bình ổn giá phân bón. Đến nay, tuy giá nguyên liệu và phân bón thế giới đã giảm mạnh, nhưng lượng phân bón nhập khẩu và phân bón sản xuất từ nguyên liệu nhập khẩu ở thời điểm giá cao vẫn còn tồn khá lớn, trong khi phân bón sản xuất ra không tiêu thụ được, tồn kho nhiều, giá thành lại hạ nên các doanh nghiệp sản xuất đều rất khó khăn.

Dự báo trong năm 2009, nhu cầu phân bón không tăng nhiều so với năm 2008, trong khi lượng tồn kho còn khá lớn. Hơn nữa, trong lúc giá phân bón đang “lao dốc” thì Tập đoàn công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam thông báo điều chỉnh tăng giá bán than cho các hộ cho sản xuất phân bón từ giữa tháng 11/2008 và quý II/2009. Động thái này chắc chắn sẽ ảnh hưởng lớn đến giá thành sản xuất đạm urê Hà Bắc và phân lân nung chảy Văn Điển- Ninh Bình trong thời gian tới.

Trước tình hình này, Tổng công ty Hóa chất Việt Nam tiếp tục đề nghị giữ nguyên mức giá than cho đến hết năm 2008, năm 2009 mỗi quý điều chỉnh một lần, mức điều chỉnh 10-20% cho một lần điều chỉnh để không gây tác động lớn đến giá phân bón và khả năng tiếp nhận của người tiêu dùng. Nhằm ngăn chặn sản xuất phân bón giả, kém chất lượng lộng hành, ảnh hưởng đến uy tín của các đơn vị sản xuất phân bón trong Tổng công ty, đề nghị các cơ quan hữu quan tiếp tục vào cuộc và có những biện pháp hữu hiệu, quyết liệt hơn nữa.

(Công Thương)

 

Nguồn: Vinanet