Theo Ban Kế hoạch - Kinh doanh Tổng Công ty Hoá chất Việt Nam (VINACHEM), trước tình hình giá nhiều loại sản phẩm và nguyên liệu sản xuất phân bón vẫn đang biến động và có xu hướng tiếp tục tăng, trong đó có một số nguyên liệu sản xuất có khả năng tăng giá đột biến.Giá lưu huỳnh (nguyên liệu sản xuất axit sunfuric - một trong những nguyên liệu đầu vào sản xuất quan trọng của sản xuất phân supe photphat) đến nay đã tăng trên 10% so với cách đây 1 tháng và đạt trên 600 USD/tấn.

Điều này làm cho một số đơn vị sản xuất supe photphat gặp rất nhiều khó khăn. Dù giá supe photphat Lâm Thao đã được nâng lên 2.400 đ/kg và đã được người tiêu dùng chấp nhận, song theo tính toán với mức giá này nhà sản xuất vẫn bị lỗ khi các chi phí đầu vào sản xuất khác cũng tăng. Hơn nữa năm nay vấn đề vận tải đủ quặng apatit cho sản xuất vẫn là nỗi lo thường trực của các đơn vị. Với việc tiếp tục tăng giá các loại nguyên liệu như urê, kali, DAP, v.v..., các nhà sản xuất phân NPK cũng phải tính toán rất thận trọng trong sản xuất và tiêu thụ để tránh bị lỗ hoặc đọng vốn.

Để đối phó với những khó khăn trong ngành phân bón, VINACHEM đã chỉ đạo cho các đơn vị trong ngành thực hiện một số giải pháp:

- Ngay từ đầu năm phải tranh thu tập trung nguyên liệu cho sản xuất ở mức tối đa. Đặc biệt tận dụng năng lực vận tải đường sắt còn có điều kiện tăng thêm vào dịp đầu năm để vận tải quặng apatit và tích cực tìm kiếm thêm các nguồn nhập lưu huỳnh cho sản xuất axit sunfuric để có thể giảm giá thành axit.

- Các đơn vị phải đảm bảo giữ vững thị trường trong nước, tiếp tục tăng và điều chỉnh xuất khẩu phân bón ở mức hợp lý, đảm bảo giữ vững thị trường và hiệu quả kinh doanh.

- Các đơn vị cần có sự phối hợp tốt với nhau về giá cả, thị trường, nguyên liệu, vốn, đảm bảo phát triển SXKD lành mạnh hiệu quả có tính toán đến lợi ích chung của toàn ngành.

Nguồn: Vinanet