(Vinanet) Chỉ số CRB giảm lần đầu tiên trong 1 năm qua; Giá đường và khí đốt tự nhiên giảm mạnh nhất; Giá niken và palađi tăng.

Giá hầu hết các loại hàng hoá tăng trong quý 1 năm nay, tuy nhiên sự sụt giảm trong các mặt hàng ngũ cốc, đường và khí đốt tự nhiên đã khiến chỉ số CRB của 19 loại hàng hoá nguyên liệu thô có qúy giảm đầu tiên trong vòng 1năm qua.

Năm 2009, chỉ số CRB có mức tăng ấn tượng nhất trong 36 năm trở lại đây.

Trong quý 1 năm nay, hều hết các mặt hàng thuộc CRB tăng, đứng đầu là niken, thức ăn chăn nuôi và xăng dầu. Nguyên nhân là do kinh tế thế giới hồi phục từ suy thoái tồi tệ nhất kể từ đại chiến thế giới thứ hai, và được hỗ trợ chủ yếu bởi nhu cầu các kim loại và thức ăn chăn nuôi từ Trung Quốc.

Các nhà phân tích cho biết thị trường đang đợi thông tin tình hình việc làm của Mỹ tháng 3, sẽ đựơc công bố vào ngày 02/4, để có cái nhìn bao quát hơn về sự hồi phục của kinh tế Mỹ.

Mặc dù hầu hết các hàng hoá nguyên liệu thô đều tăng trong quý 1, nhưng chỉ số này lại mất 3% trong 3 tháng đầu năm nay, do giá đường, khí đốt tự nhiên, giá ngô, lúa mì và chì giảm mạnh.

Giá đường giảm mạnh nhất, tới 35% - quý giảm mạnh nhất kể từ năm 1985. Mặt hàng này cũng đạt mức cao nhất trong 29 năm qua hồi đầu tháng 2 năm nay.

Trong phiên giao dịch cuối cùng của tháng 3, giá đường giảm 7% xuống còn 16,59 cent/lb, do sản lượng tăng ở Braxin và Ấn Độ. Các nhà phân tích cho rằng giá đường còn giảm sâu hơn nữa trong quý 2 nếu các nhà đầu tư vẫn ngần ngại mua vào.

Giá khí đốt tự nhiên giảm 30,6% trong quý 1 năm nay.

Trong số các mặt hàng tăng giá, giá niken có màn trình diễn ấn tượng nhất trong quý 1 năm nay khi tăng trên 30%. Kim loại được sử dụng nhiều trong sản xuất thép không gỉ này leo lên mức cao nhất của 21 tháng ở 25.085 USD/tấn trong phiên giao dịch cuối cùng của qúy 1.

Giá palađi tăng khoảng 17% trong quý 1 và cũng đạt mức cao nhất 2 năm trở lại đay ở 483 USD/tấn trong phiên 31/3.

Một số thông tin về giá hàng hoá thế giới quý 1 năm nay như sau:

-         Giá cà phê robusta tại Liffe tăng 1,8% trong quý 1, kết thúc ngày 31/3 ở 1.356 USD/tấn. Nguyên nhân chủ yếu là nhờ thông tin chính phủ Việt Nam sẽ cho các doanh nghiệp vay vốn mua tạm trữ 200.000 tấn cà phê nhằm hỗ trợ người nông dân trong bối cảnh giá giảm.

-         Giá đường trắng tại Liffe giảm 29%, còn 504 USD/tấn. Nguyên nhân là do sản lượng của các nước sản xuất hàng đầu là Ấn Độ và Braxin được dự báo sẽ tăng mạnh.

-         Giá vàng tại New York tăng 1,7%, ở 1.114 USD/ounce. Nguyên nhân là do nỗi lo về vấn đề nợ ở Hy Lạp gây sức ép lên thị trường tiền tệ.

-         Giá cà phê arabica tại ICE tăng 0,2%, chốt tháng 3 ở 136,50 Uscent/lb, do nguồn cung eo hẹp.

-         Giá cao su tại Tokyo tăng 12% và là quý tăng thứ 5 liên tiếp. Nguyên nhân do sản lượng giảm khi các nước sản xuất hàng đầu bước vào mùa khô trong khi nhu cầu tăng mạnh.

-         Giá đồng tại LME tăng 5%, chốt tháng 3 ở 7.780 USD/tấn, nhờ triển vọng nhu cầu tăng khi kinh tế toàn cầu hồi phục từ suy thoái.