Dược phẩm và sữa là hai mặt hàng khá nhạy cảm về giá đã được UBND TP.HCM đưa vào nhóm hàng bán giá bình ổn trong năm 2014.

Đối với nhóm hàng dược phẩm, bao gồm 21 nhóm thuốc được sản xuất trong nước trị các bệnh thường gặp ở người, có nhu cầu sử dụng cao như thuốc giảm đau, hạ sốt, chống dị ứng, tiêu chảy, đau dạ dày, ho, tim mạch, thuốc kháng sinh, kháng viêm, thuốc dùng ngoài da…

Theo đó, danh mục thuốc bình ổn thị trường được xây dựng căn cứ vào danh mục thuốc chủ yếu dùng cho cơ sở khám chữa bệnh với 150 hoạt chất của 500 mặt hàng. Số lượng thuốc bình ổn chiếm 50% nhu cầu của các nhóm thuốc thiết yếu mà người dân thành phố sử dụng trong năm.

Giá thuốc tham gia chương trình bình ổn phải thấp hơn giá bán của sản phẩm cùng loại (cùng biệt dược) trên thị trường ít nhất từ 5 – 10%, được đăng ký ở Sở Y tế và Sở Tài chính. Giá các loại thuốc này phải được niêm yết công khai và thống nhất ở tất cả các điểm bán thuốc bình ổn thị trường.

Còn đối với mặt hàng sữa, danh mục bình ổn được áp dụng đối với 6 nhóm sản phẩm gồm: sữa bột dành cho trẻ em; sữa bột dành cho người cao tuổi, người bệnh; sữa bột dành cho bà mẹ mang thai; sữa bột dinh dưỡng dành cho gia đình; sữa bột chức năng và sữa nước dinh dưỡng bổ sung vi chất.

Về sản lượng, đối với sữa bột, tổng khối lượng khoảng 3.387 tấn/năm (tương đương khoảng 282 tấn/tháng), tăng 53,5% so với kết quả đã thực hiện trong năm 2013, chiếm 48,4% mức tiêu dùng bình quân của thị trường thành phố. Còn đối với sữa nước, lượng cung ứng ra thị trường phải đảm bảo đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

Điều khiến người dân thành phố quan tâm nhất đối với mặt hàng sữa hiện nay chính là giá bán. Trong kế hoạch bình ổn mặt hàng sữa do UBND TP.HCM ban hành nêu rõ, phải đảm bảo giá bán bình ổn thị trường có tính hợp lý, ổn định và có khả năng dẫn dắt thị trường.

Theo đó, các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn phải xây dựng và đăng ký giá bán với Sở Tài chính theo nguyên tắc xác định đầy đủ, chính xác cơ cấu tính giá theo các yếu tố hình thành giá. Trong trường hợp giá nguyên vật liệu, chi phí đầu vào biến động theo hướng tăng, doanh nghiệp linh động điều chỉnh giá nhưng phải đúng quy định pháp luật và tính hợp lý.

Trong trường hợp thị trường biến động do có hiện tượng nâng giá gây khan hiếm giả tạo, doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn phải chấp hành việc cung ứng lượng hàng hóa có khả năng điều tiết thị trường dưới sự điều phối của Sở Công thương thành phố.

Thời gian thực hiện chương trình bình ổn đối với các nhóm hàng hóa trên kéo dài 12 tháng, bắt đầu từ ngày 1/4/2014 đến hết ngày 31/3/2015.

Nguồn: Toquoc.gov.vn

Nguồn: Vinanet