Biểu hiện tiêu cực thứ nhất là chỉ số lạm phát cao nhất, dù cơn sốt tăng giá đã có dấu hiệu hạ nhiệt tron gnhững tháng gần đây.

Biểu hiện tiêu cực thứ hai là nhập siêu cũng cao nhất, trong đó có một số khuynh hướng chúng tôi cho là rất đáng báo động mà chúng ta ít để ý, đó là nhập siêu cả những mặt hàng đáng lẽ chúng ta phải xuất khẩu như:  sẽ nhập (hay là đang nhập) nguyên liệu thuỷ sản trị giá gần 2 tỷ USD hàng năm để chế biến xuất khẩu lại, hai là nguy cơ nhập than, nhập muối, nhập gạo, nhập gà, lợn, nhập gỗ... Tức là những cái chúng ta tưởng là thế mạnh, thì nay lai trở thành xu hướng nhập.

Biểu hiện tiêu cực thứ ba là những cơn sốt rất nguy hiểm, khong hoàn toàn bắt nguồn từ thực trạng nền kinh tế, mà nhiều hơn là từ chất lượng quản lý kinh tế. Ví dụ cơn sốt giá gạo, rõ ràng hoàn toàn do quản lý (do điều phối). Hay cơn sốt đôla.Cơn sốt nóng-lạnh mạnh của thị trường chứng khoán. Cơn sốt bất động sản ít nhiều cũng có dấu hiệu quản lý.

Biểu hiện tiêu cực thứ tư là lượng người nghèo tăng gấp đôi năm ngoái. Chính phủ vừa điều chỉnh chỉ tiêu nghèo theo mức mới, nếu xét theo chuẩn nghèo mới này, lượng người nghèo trên thực tế còn nhiều hơn nữa.

Tuy nhiên, trong nửa đầu năm 2008 có một điểm nhấn tích cực rất căn bản, đó là ý thức phê phán hiệu quả đầu tư công rất mạnh và  FDI đang có những dấu hiệu rất tốt, đặc biệt, kết quả thu hút FDI đạt mức kỷ lục chưa từng có trong lịch sử đất nước. Dòng đầu tư gián tiếp nước ngoài cũng có dấu hiệu gia tăng trở lại, nhất là trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng (tỷ trọng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài cũng đang chiếm khoảng 20% thị phần TTCK Việt Nam).

Trong bức tranh tổng quát kinh tế và lạm phát ở nước ta trước mắt có một số điểm đáng chú ý lớn như sau:

Một là, kinh tế sẽ chậm lại, ít nhất trong vòng 2 năm nữa, thậm chí không loại trừ những yếu tố và biểu hiện có sự đình trệ nhất định, nếu không biết và không tập trung khai thác phát triển theo chiều rộng, gia tăng đầu tư của khu vực kinh tế ngoài Nhà nước, nhất là FDI...

Hai là, lạm phát sẽ tiếp tục tăng, thậm chí tăng gấp hơn 2 lần so với 2007, và tiếp diễn kéo dài đến cuối 2009 và có thể đến giữa 2010 mới có sự đảo chiều...

Về các lát cắt giá cả thị trường sẽ có 2 xu hướng: Xu hướng tăng ở những hàng ngoại nhập, mang tính chất nguyên liệu không tái sinh (dầu) và những nguyên liệu mang tính chất độc quyền hay sản phẩm độc quyền (thuốc). Xu hướng giảm ở những mặt hàng cạnh tranh tự do và đầy đủ, những mặt hàng giảm thuế theo WTO, những mặt hàng giảm theo xu hướng phát triển ngành, như công nghệ thông tin, sản phẩm điện tử....

Ở một số thị trường, như thị trường bất động sản, không đình trệ, không suy sụp, mà ổn định nhẹvà có sự tăng trưởng mạnh ở những thị trường tiềm năng, ví dụ thị trường văn phòng cho thuê và nhà cho người thu nhập thấp.

Thị trường dịch vụ cũng sẽ phát triển, vì đây là nơi đầu tư ít, phát triển nhanh và phù hợp xu hướng phát triển chung của thế giới và chuyển đổi cơ cấu của ViệtNam. Còn các thị trường các sản phẩm công nghiệp và công nghệ cao thì chuyển đổi rất lâu, đầu tư rất lớn nên chậm điều chỉnh hơn.

Thị trường chứng khoán có sự nhúc nhích chứ không tăng vọt, nếu không có 2 yếu tố sau: một là, những động thái mới về hàng mới, hàng chất lượng cao; hai là, gia tăng mức độ tự do hoá tài chính, vốn nước ngoài đổ vào mạnh mẽ hơn. Nếu không, các động thái trên thị trường này chỉ là sự du di cân đối nội bộ.

Cuối cùng, điểm cần nhấn mạnh là khó khăn tới đây sẽ nặng nề hơn đối với khu vực doanh nghiệp và các ngân hàng, có liên quan trước hết đến các  quá trình huy động vốn, vay và trả nợ vốn vay.

 

Nguồn: Vinanet