Lần đầu tiên trong nhiều thập kỷ, Thái Lan, nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, sẽ không mua trực tiếp gạo từ nông dân trong vụ mùa tới, một hành động chắc chắn sẽ đẩy tăng lượng xuất khẩu và gây giảm giá trên thị trường thế giới.

Điều này đánh dấu một sự thay đổi mạnh mẽ trên thị trường gạo toàn cầu, nơi mà đầu năm 2008 giá đã tăng mạnh cùng với các lương thực khác, do nhu cầu tăng và hoạt động mua mạnh từ các quỹ đầu tư.

Theo các thương gia và các nhà phân tích, việc Việt Nam, nước xuất khẩu gạo lớn thứ 2 thế giới, gia tăng xuất khẩu cùng với sản lượng tăng từ Myanma và Campuchia và kho dự trữ khổng lồ ở Thái Lan có thể nhanh chóng đẩy giá gạo giảm khoảng ¼ so với hiện nay, xuống khoảng 400 USD/tấn, thậm chí có thể còn thấp hơn nữa.

Chookiat Ophaswongse, chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu Gạo Thái lan, dự báo: “Nếu thời tiết bình thường và không có hạn hán đột ngột, giá gạo Thái Lan sẽ giảm xuống khoảng 380 – 400 USD/tấn vào cuối năm nay do cung tăng”.

Hiện tại, gạo 100% B của Thái Lan giá 535 USD/tấn, được hậu thuẫn bởi quyết định kéo dài thời gian thu mua thóc trong dân tới cuối tháng 9/2009 theo đề nghị của nông dân.

Như vậy, mức giá hiện tại bằng đúng một nửa mức đỉnh cao 1.080 USD/tấn đạt được vào tháng 4/2008, khi khủng hoảng lương thực toàn cầu dâng cao, thậm chí gây bạo loạn ở nhiều quốc gia trên toàn thế giới.

Giá gạo Thái lan đã giảm từ đầu năm 2009, khi nhu cầu trì trệ bởi hầu hết các nước nhập khẩu đều đã đảm bảo đủ cung sau khi giá tăng vọt vào năm ngoái.

Xu hướng giá gạo toàn cầu cũng giảm cùng chiều với gạo Thái, khi cung ở các nước sản xuất lớn tăng lên, trong đó có Mỹ, nước xuất khẩu gạo lớn thứ 4 thế giới.

Ngày 16/9, giá gạo tại Chicago kỳ hạn tháng 11/2009 ở mức 13,16 USD/cwt, giảm 35-1/2 US cent so với ngày hôm trước, sau khi Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) công bố dự báo vụ mùa gạo Mỹ năm nay sẽ bội thu.

Ở Đông Nam Á, một trong những khu vực đang dẫn đầu thế giới về sản xuất lúa gạo, nguồn cung sẽ tăng mạnh vào cuối năm nay, khi thu hoạch lúa.

Dự trữ nhiều

Mới đây Việt Nam đã mở rộng chương trình dự trữ gạo, sau khi thông báo mua thêm 500.000 tấn ngoài 400.000 tấn đã mua vào tháng 8/2009 để ngăn chặn giá giảm. Theo USDA, sản lượng gạo Việt Nam năm 2009 sẽ đạt 35,99 triệu tấn.

Về phía mình, Thái Lan cho biết sẽ không hỗ trợ người trồng lúa theo phương thức cũ đã áp dụng trong nhiều năm là mua gạo trực tiếp từ nông dân nữa, nhằm giảm chi phí dự trữ vốn khổng lồ. Như vậy, có thể toàn bộ sản lượng 23 triệu tấn của niên vụ 2009/10 sẽ được tung ra thị trường.

Chính phủ Thái lan cho biết sẽ vẫn tiếp tục hỗ trợ người nông dân, song từ nay chỉ bằng cách đặt ra mức giá tham khảo, và sẽ thanh toán mức chênh lệch giá cho họ nếu họ buộc phải bán cho các nhà máy xay xát với mức giá thấp hơn giá tham khảo mà chính phủ đặt ra. Theo đánh giá của ông Kiattisak Kanlayasirivat thuộc công ty Novel Agritrade (Thailand) Co. Ltd., chính sách mới này có nghĩa là Chính phủ sẽ không còn là khách hàng mua gạo lớn nữa, và sẽ không có một lượng lớn gạo được rút ra khỏi thị trường để nâng giá lên. Và vì thế, giá gạo có thể sẽ giảm mạnh.

Ngoài ra, gạo mà Chính phủ Thái đã mua trong thời gian qua - hiện đang nằm trong các kho dự trữ - sẽ gây thêm áp lực giảm giá cho thị trường. Các thương gia cho biết lượng gạo dự trữ đó sẽ được xuất ra thị trường vào một lúc nào đó.

Hiện Chính phủ Thái đang có mức dự trữ lúa cao nhất từ trước tới nay, 7 triệu tấn.

Tại Ấn Độ, dự trữ lúa đã tăng tới 30,1 triệu tấn so với 23,2 triệu tấn một năm trước đây. Theo phân tích của các thương gia, mức dự trữ đó đủ để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước chứ không đủ để Ấn Độ trở lại thị trường xuất khẩu với vai trò là nước XK lớn, nhất là khi lượng mưa trong mùa mưa năm nay ở các bang miền Đông bắc Ấn Độ - nơi trồng lúa chính - thấp  hơn 21% so với mức bình thường.

Trước khi giá gạo tăng mạnh hồi năm ngoái, Ấn Độ và Việt Nam là nguồn cung gạo lớn thứ 2 thế giới sau Thái Lan.

Nổi lên nhiều đối thủ

Nhiều nước khác đang bắt đầu tăng sản lượng gạo. Myanmar đã trở lại là nước xuất khẩu gạo lớn trên thế giới. Myanmar nhằm mục tiêu xuất khẩu 1 triệu tấn gạo trong tài khoá kết thúc vào tháng 3/2010. Tính đến cuối tháng 8/2009, Myanmar đã xuất khẩu 600.000 tấn gạo, so với mức 666.400 tấn niên vụ 2008/09 và 358.500 tấn niên vụ trước đó.

Myanmar đã có 1 lần là nước nhập khẩu lớn nhất thế giới, đó là vào năm 1934, khi xuất khẩu 3,4 triệu tấn. Việc Myanmar trở lại thị trường xuất khẩu với vai trò lớn hơn sẽ gia tăng áp lực giảm giá mặt hàng này.

Theo Sumeth Laomoraporn, chủ tịch công ty CP Intertrade ở Bangkok, “không có lý do nào để giá tăng lên. Điều mà chúng tôi muốn biết là giá sẽ giảm bao nhiêu bởi người mua sẽ có quyền lựa chọn thời điểm nhập khẩu”.

Theo các thương gia, giá giảm sẽ kích thích nhu cầu gạo xuất khẩu, nhất là khi những nước nhập khẩu lớn bắt đầu tái xây dựng kho dự trữ của mình vào năm tới, sau khi phải vật lộn chỉ để đảm bảo đủ dùng bởi giá quá cao vào năm 2008.

Thái Lan có thể sẽ có lợi bởi có một lượng gạo dự trữ lớn, giúp họ tăng khối lượng xuất khẩu.

Ông Paka-on Tipayatanadaja, nhà phân tích thuộc công ty Kasikorn Research ở Bangkok cho rằng kế hoạch can thiệp mới của Chính phủ Thái sẽ làm giảm giá xuất khẩu, và sẽ giúp nước này lấy lại thị phần trên thị trường thế giới.

Theo Kasikorn Research, xuất khẩu gạo Thái Lan năm 2010 có thể đạt 10 triệu tấn, mức cao kỷ lục.

Ông Chookiat, Chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu gạo Thái cho rằng khối lượng xuất khẩu năm 2010 thậm chí còn cao hơn mức 10 triệu tấn nếu Chính phủ quản lý kho dự trữ một cách khôn khéo, bán dần để không gây thừa cung trên thị trường.

Việt Nam có thể cũng sẽ xuất khẩu kỷ lục 6 triệu tấn gạo trong năm nay, và có thể sẽ còn xuất nhiều hơn thế trong năm 2010 nếu Philippine, một trong những khách hàng truyền thống, tăng lượng mua vào khi giá giảm.

 

Nguồn: Vinanet