Theo ông Lê Quốc Ân, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, hiện nay nhu cầu về một trung tâm nguyên phụ liệu cho ngành dệt may là hết sức cấp bách, đặc biệt khi giá cả nguyên phụ liệu trên thị trường thế giới tăng bình quân 20% trong 6 tháng đầu năm nay, đặc biệt là giá bông và xơ, loại nguyên phụ liệu chiếm 70% trong ngành dệt may.
 
Năm 2004, chính quyền TP.HCM đã giao cho Tập đoàn Dệt may Việt Nam một khu đất 5 hecta ở quận Thủ Đức để tập đoàn triển khai xây dựng trung tâm nguyên phụ liệu khu vực phía Nam. Theo ông Ân, dự án này được giao cho Công ty cổ phần thương mại Dệt may TP.HCM thực hiện. Từ năm 2004 đến nay, mặc dù dự án được Bộ Công thương và chính quyền thành phố ủng hộ, nhưng thủ tục giao đất đến nay vẫn chưa xong do vướng khâu đền bù giải tỏa. “Trước đây, có lần thành phố chuẩn bị giao đất thì Sở Giao thông công chính tuyên bố hủy công trình xử lý nước thải và đồng ý cho triển khai dự án trung tâm nguyên phụ liệu thì Sở Tài nguyên – Môi trường lại bảo là khâu đền bù giải tỏa đang vướng nhiều”, ông Ân nói. Và Tập đoàn Dệt may cũng chưa biết đến khi nào thủ tục giao đất mới xong để dự án được triển khai.
 
Riêng dự án trung tâm nguyên phụ liệu phía Bắc tại xã Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội có diện tích khoảng 2 hecta, dự kiến sẽ được chính quyền thành phố Hà Nội giao đất vào cuối năm nay, ông Ân cho biết như vậy.
 
Đến nay, ngành dệt may Việt Nam chủ yếu vẫn sản xuất gia công (chiếm trên 50% số lượng các đơn hàng), do đó hiệu quả kinh doanh còn thấp. Nếu sản xuất theo dạng FOB (tự mua nguyên liệu và sản xuất theo đơn đặt hàng) thì hiệu quả sẽ cao hơn. Ông Ân cho ví dụ, một cái áo sơ mi khi làm gia công, doanh nghiệp thu tiền công khoảng 1,2 USD/cái, trong đó, tiền lãi doanh nghiệp được hưởng chỉ khoảng 10%. Nhưng nếu bán theo hình thức FOB, giá cái áo sơ mi sẽ khoảng 6 – 7 USD/cái, trong đó, doanh nghiệp cũng thu khoảng 1 USD tiền lãi. Tóm lại, chỉ cần chuyển phương thức làm gia công sang FOB thì lợi nhuận doanh nghiệp đã tăng gấp nhiều lần.
 
Để làm được những đơn hàng FOB, điều kiện trước tiên là nhà sản xuất phải có nguyên vật liệu trong tay, hoặc chí ít cũng phải nắm đầy đủ những thông tin về nguồn nguyên vật liệu cần mua để thiết kế mẫu chào hàng, chào giá cho khách hàng.
 
“Hiệp hội Dệt may Việt Nam đang khuyến khích các doanh nghiệp chuyển từ làm gia công sang hình thức FOB. Tuy nhiên, muốn làm được điều này thì Việt Nam phải có những trung tâm nguyên phụ liệu để có thể cung cấp thông tin, mẫu hàng… để doanh nghiệp có thể chủ động thực hiện đơn hàng FOB”, ông Ân nói.
 
Hiện ngành dệt may Việt Nam có khoảng 2.500 doanh nghiệp, trong đó, khu vực phía Nam có khoảng 1.500 doanh nghiệp. Tuy nhiên, đến nay, khu vực phía Nam vẫn chưa có trung tâm nguyên phụ liệu nào tương xứng.
 
Trước tình hình bức thiết nêu trên, Công ty May Sài Gòn 2 vừa qua đã tận dụng một xưởng sản xuất của công ty để xây dựng một trung tâm nguyên phụ liệu ở quận Tân Bình. Tuy không phải là trung tâm lớn, nhưng bước đầu đã hoạt động như một trung tâm giao dịch của tất cả các nhà phân phối nguyên phụ liệu trong và ngoài nước.
 
Được biết, hiện nay có rất nhiều nhà cung ứng nguyên phụ liệu từ Trung Quốc tìm đến chào hàng tại trung tâm của Công ty May Sài Gòn 2. Hiệp hội Dệt may Việt Nam cũng đang kêu gọi các nhà cung ứng nguyên phụ liệu từ Thái Lan và Inđônêxia vào chào hàng tại trung tâm này.
 
Trao đổi với TBKTSG, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Trung Tín cho biết, thành phố đang chỉ đạo các doanh nghiệp dệt may trên địa bàn thành phố chuyển dần sang ngành công nghiệp thiết kế, tạo mẫu thời trang, ít thâm dụng lao động. Đồng thời, bằng mọi giá thành phố phải phát triển cho được khu công nghiệp phụ liệu cho ngành may, hạn chế bớt nhập khẩu nguyên phụ liệu như hiện nay.
 
Theo phân tích của ông Vũ Đức Giang, Tổng giám đốc tập đoàn Dệt may Việt Nam, thị trường xuất khẩu chủ yếu của hàng dệt may Việt Nam là Mỹ chiếm khoảng 50%, EU chiếm 17%, Nhật 8%, còn lại là các nước khác. Năm 2008, ngành dệt may đặt chỉ tiêu kim ngạch xuất khẩu khoảng 9,5 tỷ USD, tuy nhiên, khó khăn hiện nay là ngành vẫn còn phụ thuộc đến 70% vào nguồn nguyên phụ liệu nhập khẩu.
 
“Ngoài việc nhất thiết phải triển khai nhanh hai trung tâm nguyên phụ liệu ở 2 miền, ngành còn phải đầu tư, quy hoạch các vùng trồng bông, quy hoạch thêm khu công nghiệp sản xuất nguyên liệu và quy hoạch đào tạo nguồn nhân lực để làm cơ sở cho sự phát triển lâu bền của ngành”, ông Giang nói. Theo ông Giang, nếu nhanh, cuối năm 2009 dự án trung tâm nguyên phụ liệu ở Hà Nội có thể xong, riêng trung tâm ở TP.HCM thì không biết đến khi nào.

Nguồn: Thời báo kinh tế Sài Gòn