(VINANET) - Việt Nam, nước xuất khẩu gạo lớn thứ 2 thế giới sau Ấn Độ, đã giảm giá xuất khẩu để đẩy tưng nhu cầu khi vụ thu hoạch mới đến gần.

Các thương gia nhận định giá gạo giảm sẽ giúp hấp dẫn nhu cầu từ các thị trường như Trung Quốc, Indonesia và châu Phi, nhưng khách hàng có thể cũng chưa quyết định mua vào lúc này bởi hy vọng giá sẽ còn giảm hơn nữa khi vụ thu hoạch vào lúc cao điểm, cuối tháng 6.

Hiệp hội Lương thực Việt Nam áp giá sàn gạo 25% tấm là 365 USD/tấn và giảm giá sàn gairm 35% đi 1,4% xuống 360 USD/tấn (FOB).

Hiệp hội Lương thực đã xóa bỏ giá sàn 435 USD/tấn với gạo 25% tấm kể từ 17/12/2012. Giá sàn trước đó đối với gạo 35% tấm là 365, áp dụng từ 10/4/2013.

Ngày 4/6, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định mua tạm trữ 1 triệu tấn quy gạo trong vụ Hè Thu năm 2013 ở đồng bằng sông Cửu Long từ ngày 15/6/2013 đến hết ngày 31/7/2013.

Cụ thể, mua tạm trữ 1 triệu tấn quy gạo theo tỷ lệ quy đổi thóc: gạo là 2:1; loại thóc, gạo mua tạm trữ gồm thóc, gạo thường và thóc, gạo thơm.

Ngân sách nhà nước sẽ hỗ trợ 100% lãi suất tiền vay mua thóc, gạo tạm trữ; thời gian tạm trữ được hỗ trợ lãi suất tối đa là 3 tháng, từ ngày 15/6/2013 đến ngày 15/9/2013.

Gạo 5% tấm giá tuần qua vững ở mức 370-375 USD/tấn, FOB, và gạo 25% tấm giá 350 USD/tấn.

Lúc này có một số khách hàng Trung Quốc mua gạo Việt Nam, nhưng các thương gia cho biết nhu cầu nhìn chung vẫn yếu.

Giá lúa hè thu mới đã giảm xuống 4.800-5.200 đồng  (22,8-24,8 U.S. cents)/kg trong tuần này, từ mức 4.900-5.500 đồng tuần trước.

Việt Nam đã xuất khẩu gần 2,8 triệu tấn gạo trong 5 tháng đầu năm 2013, tăng 10% so với một năm trước đó, theo số liệu của Hiệp Hội.

Tại Thái Lan, theo đánh giá mới nhất của tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế Moody’s, chương trình mua tạm trữ lúa gạo của Thái Lan đang tác động tiêu cực đến xếp hạng nợ công của nước này.

Moody’s cho rằng nguyên nhân là do “việc Chính phủ Thái Lan mua gạo của nông dân cao hơn khoảng 50% so với giá thị trường đã tạo ra chi phí tài chính bởi vì, số gạo này được bán lại với giá thấp hơn."

Moody’s nhận định tổng thiệt hại từ chương trình đã lên tới 200 tỷ baht (khoảng 6,6 tỷ USD), cao hơn nhiều so với con số ước tính của Bộ Tài chính Thái Lan.

Tuy nhiên, vẫn chưa rõ thiệt hại thực tế của Thái Lan là bao nhiêu bởi vì, Chính phủ Thái Lan chưa bán hết số gạo này.

Hiện tại, Thái Lan đang trữ khoảng 17 triệu tấn gạo. Phòng Thương mại Thái Lan ước tính từ đầu năm đến nay, Thái Lan mới xuất khẩu được khoảng 1,5 triệu tấn gạo, giảm 30% so với cùng kỳ năm ngoái.

 (T.H – Reuters)