(VINANET) – Các  nhà xuất khẩu gạo Thái lan giữ nguyên mức dự báo về xuất khẩu gạo năm 2013 ở 6,5 triệu tấn bởi nhu cầu từ các khác hàng truyền thống thấp, mặc dù chính phủ đang bán gạo dự trữ ra.

Thái Lan đã xuất khẩu 6,9 triệu tấn gạo năm 2012, giảm mạnh so với mức cao kỷ lục 10,6 triệu tấn năm 2011. Nhu cầu giảm trong năm qua bởi giá tăng sau khi chính phủ thực hiện chương trình can thiệp khiến họ mất ngôi vị nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới về tay Ấn Độ.

Năm nay nhiều nước nhập khẩu được mua lớn nên giảm nhập khẩu, triển vọng từ nay đến cuối năm thị trường nhập khẩu cũng sẽ không sôi động.

Chính phủ Thái lan đặt mục tiêu xuất khẩu 8,5 triệu tấn gạo trong năm nay, tin rằng có thể đẩy tăng khối lượng bán gạo theo các kênh liên chính phủ. Họ đã bán 250.000 tấn gạo cho Iran tuần qua.

Thái lan hiện có mức tồn trữ gạo cao kỷ lục, ít nhất 17 triệu tấn.

Ngoài các hợp đồng liên chính phủ, Thái lan cũng bắt đầu bán gạo qua việc đấu thầu. Tuần trước, họ chào bán 350.000 tấn lúa từ kho dự trữ nhưng chỉ có 4 nhà xuất khẩu tham gia bỏ thầu, và với khối lượng chỉ 90.000 tấn và  giá thấp do nhu cầu thấp và mối lo ngại về chất lượng.

Tuần này chính phủ Thái cũng tổ chức một buổi đấu thầu nữa, bán 200.000 tấn lúa, nhưng cũng chỉ có 5 nhà xuất khẩu tham gia bỏ thầu cho khối lượng khoảng 120.000 tấn lúa đã được bán. Theo nguồn tin chính phủ, gạo bán đấu là gạo sản xuất từ vụ 2012-2013. Doanh nghiêp thắng thầu phải xuất khẩu gạo trong vòng 45 ngày hoặc phải nộp phạt 25% giá trị của gạo.

Chính phủ đang có kế hoạch bán đấu giá gạo trong tuần tới và dự định sẽ bán đấu giá lên đến 1,5 triệu tấn gạo/tháng để đẩy mạnh xuất khẩu. Tuy nhiên, các nhà xuất khẩu không mặn mà với việc mua gạo mà chính phủ bán ra, bởi điều kiện đấu thầu khó khăn và lo ngại về chất lượng gạo.
Theo các chuyên gia, nhiều khả năng xuất khẩu gạo của Thái Lan sẽ không tăng trong nửa cuối của năm nay do sự cạnh tranh với các nước xuất khẩu gạo khác mặc dù chính phủ Thái Lan đã lên kế hoạch giải phóng tồn kho gạo qua đấu giá và giao dịch liên chính phủ.

Nhu cầu gạo từ các nước nhập khẩu thấp không phải là yếu tố duy nhất khiến các nhà xuất khẩu nước này không muốn tham gia bỏ thầu lúa gạo dự trữ, mà chất lượng gạo dự trữ cũng là câu hỏi lớn với họ. “Lý do chính mà các nhà xuất khẩu không muốn tham gia là không chắc chắn về chất lượng gạo dự trữ vì đã để trong kho quá lau”, chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu Gạo Thái lan, Charoen Laothamatas cho biết.

Mặc dù nhu cầu yếu, giá gạo Thái lan vẫn vững ở mức cao do ảnh hưởng của chương trình can thiệp của chính phủ, trả giá tới 15.000 baht (480 USD) để mua mỗi tấn thóc của dân, cao hơn rất nhiều so với gái xuất khẩu.

Gạo 5% tấm của Thái lan giá hiện 470 USD/tấn, không thay đổi nhiều so với mức 468 USD/tấn một tuần trước đây, song vẫn cao hơn nhiều so với gạo cùng loại của Thái Lan là 400 USD/tấn.

Gạo Ấn Độ chào giá 440 USD/tấn, trong khi gạo Pakistan chào giá 425 USD/tấn.

Giá gạo Việt Nam tuần qua tăng từ mức 397 USD/tấn một tuần trước đó, do nguồn cung giảm bởi vụ thu hoạch sắp kết thúc.

“Hầu hết lúa của Việt Nam đã được sấy khô và được mua theo chương trình tạm trữ của chính phủ nên không còn nhiều gạo trên thị trường”, một thương gia ở Bangkok cho biết.

Tuy nhiên, theo các thương gia thì sẽ không khan hiếm gạo lâu dài vì gạo sẽ sớm được tung ra thị trường.

 ($1 = 31,2650 Thai baht)

(T.H – Reuters)