(VINANET) – Giá gạo châu Á tuần này tiếp tục giảm do khách hàng đứng ngoài thị trường trong bối cảnh nguồn cung dồi dào ở những nước xuất khẩu.

Thái Lan, nước đang giành lại vị trí xuất khẩu số 1 thế giới từ tay Ấn Độ, đã tổ chức một số phiên đấu giá và hiện còn khoảng 17,4 triệu tấn gạo dự trữ trong kho của chính phủ. Các thương gia cho rằng sẽ phải mất một số năm để bán hết số gạo này.

Gạo 5% tấm của Thái Lan giá giảm xuống 410-415 USD/tấn, FOB, từ mức 420 -421 USD/tấn một tuần trước đây.

Giá gạo cùng loại của Việt Nam cũng giảm xuống 430-440 USD/tấn, FOB, từ mức 440 USD/tấn một tuần trước, bởi khách hàng vẫn đứng ngoài thị trường mặc dù nguồn cung đến từ vụ mới không đáng kể.

Gạo 25% tấm của Việt Nam giá cũng giảm xuống 390 USD/tấn, FOB, so với 400 USD/tấn một tuần trước.

Một thương gia ở TP HCM cho biết: “Không có hợp đồng mới được giao dịch, song lượng tồn trữ cũng hạn hẹp”.

Thái Lan và Việt Nam chiếm tổng cộng 40% tổng mậu dịch gạo thế giới – được Tổ chức Nông Lương Liên Hiệp Quốc (FAO) dự báo đạt kỷ lục cao 39,7 triệu tấn trong năm nay.

FAO cho rằng xuất khẩu gạo của 2 Việt Nam, Thái Lan và Ấn Độ năm nay dự báo đạt 26,1 triệu tấn, chiếm 66% tổng mậu dịch gạo toàn cầu.

Tồn trữ gạo ở Ấn Độ, nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới trong năm vừa qua, đạt 13,7 triệu tấn tính tới đầu tháng 11, vượt xa mục tiêu của chính phủ là 7,2 triệu tấn.

Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ, sản lượng lúa Thái Lan tăng 1,3% lên 31 triệu tấn trong năm marketing kết thúc vào tháng tới nhờ tăng diện tích trồng lúa.

Một số thông tin liên quan

Gạo Pakistan giảm sức cạnh tranh do cơ sở hạ tầng yếu kém: Các nhà xuất khẩu gạo Pakistan lo ngại giá xuất khẩu đang tăng do thiếu cơ sở hạ tầng và thuế cao làm giảm khả năng cạnh tranh của gạo Pakistan trên thị trường quốc tế.

Các nhà xay xát Pakistan cũng đang thúc giục chính phủ thiết lập giá sàn cho vụ lúa năm nay để tránh giá giảm. Các nhà xay xát đã làm việc với Bộ trưởng Bộ Nghiên cứu và An ninh Lương thực (MFS&R) về vấn đề này. Bộ trưởng MRS&R đã cam kết sẽ đệ trình vấn đề này trong phiên họp Ủy ban Phối hợp Kinh tế của Nội các vào tuần tới.

Tài khóa 2013-2014 (tháng 7/2014 – tháng 6/2014), Pakistan xuất khẩu 3,16 triệu tấn gạo. 3 tháng đầu năm tài khóa 2014-2015, xuất khẩu gạo của quốc gia Nam Á này đạt 602.759 tấn, kể cả gạo basmati và non-basmati, giảm so với 635.637 tấn cùng kỳ năm trước đó.

Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) ước tính năm 2013-2014 Pakistan sản xuất 6,7 triệu tấn gạo và xuất khẩu 3,9 triệu tấn.  

Campuchia tìm nguồn tài chính từ Trung Quốc phát triển cơ sở hạ tầng ngành lúa gạo: Liên đoàn Lúa gạo Campuchia (CRF) đang có kế hoạch tìm kiếm nguồn tài chính từ Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc (Ex-Im) nhằm cải thiện cơ sở hạ tầng ngành lúa gạo như kho chứa và cơ sở bảo quản sau thu hoạch, theo các nguồn tin trong nước.

Campuchia đặt mục tiêu xuất khẩu 1 triệu tấn gạo vào năm 2015 và để đạt được mục tiêu này, ngành lúa gạo nước này đang nỗ lực nâng cấp năng lực xuất khẩu gạo trắng. Chủ tịch CRF cho biết, hiện 2 bên vẫn chưa tính chính xác số vốn cần thiết để nâng cấp cơ sở hạ tầng. Trước đó, Chủ tịch CRF nói rằng ngành lúa gạo Campuchia cần khoản hỗ trợ tài chính khoảng 500 triệu để cải thiện cơ sở hạ tầng, kể cả kho chứa, thiết bị sấy khô và kho silo.

CRF sẽ đệ trình đề xuất lên chính phủ Campuchia để thông qua. Ngay khi được thông qua, CRF sẽ ký thỏa thuận tín dụng với Ngân hàng Ex-Im vào tháng tới.

Tháng 9, Campuchia đã khai trương ngân hàng lúa gạo quy mô lớn đầu tiên với mục đích hỗ trợ ngành lúa gạo nội địa bằng cách thu mua, tạm trữ và sấy khô lúa gạo cũng như giúp nông dân bằng việc giải ngân các khoản tín dụng tương ứng với lượng lúa gạo thế chấp.

9 tháng đầu năm 2014, xuất khẩu gạo của Campuchia đạt 269.370 tấn, tăng 1,2% so với 266.123 tấn cùng kỳ năm 2013, theo số liệu của Văn phòng Dịch vụ Một cửa (SOWS-REF) thuộc Bộ Thương mại.

Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) ước tính xuất khẩu gạo của Campuchia năm 2014 đạt 1 triệu tấn, kể cả xuất khẩu chính ngạch và tiểu ngạch sang Việt Nam.

Indonesia đặt mục tiêu tự túc lúa gạo vào năm 2016: Tân tổng thống Indonesia Joko Widodo đã đặt mục tiêu tự túc lúa gạo và chấm dứt việc nhập khẩu gạo trong vòng 2 năm tới, theo các nguồn tin trong nước.

Để đạt được mục tiêu này, chính phủ của ông Joko Widodo dự định cải thiện hệ thống cung cấp nước cho các cánh đồng lúa bằng việc xây dựng thêm các con đập và cơ sở hạ tầng thủy lợi.

Cục Thống kê Quốc gia Indonesia (BPS) ước tính sản lượng lúa năm 2014 của nước này đạt 70,61 triệu tấn, giảm 0,94% so với 71,28 triệu tấn năm 2013. Cơ quan Hậu cần quốc gia Indonesia Bulog đã ký hợp đồng với Thái Lan và Việt Nam để nhập khẩu 425.000 tấn gạo trong năm nay.

Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) ước tính năm 2013-2014 sản lượng gạo của Indonesia đạt 36 triệu tấn và nhập khẩu 1,4 triệu tấn, trong khi tiêu thụ năm 2014 đạt 38,65 triệu tấn.

Myanmar lên kế hoạch mua gạo từ nông dân nhằm hỗ trợ giá: Chính phủ Myanmar dự kiến mua gạo từ vụ thu hoạch sắp tới, bắt đầu vào tháng 12, với giá cao hơn giá thị trường nhằm kiềm chế giá giảm hơn nữa.

Ngành lúa gạo của đất nước Đông Nam Á này đang gặp rất nhiều khó khăn sau khi Trung Quốc chính thức cấm nhập khẩu gạo tiểu ngạch qua biên giới Myanmar hồi tháng 8 vừa qua. Xuất khẩu gạo của Myanmar đã giảm xuống 50.000 tấn từ 100.000 tấn/tháng. Theo Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO), giá gạo bán buôn trung bình trong tháng 10 tại Myanmar giảm 10% xuống 350.880 Kyat (350 USD)/tấn, giảm từ 388.450 Kyat (400 USD)/tấn trong tháng 8/2014.

6 tháng đầu năm tài khóa 2014-2015 (từ tháng 4 – tháng 9/2014), Myanmar xuất khẩu 630.071 tấn gạo, gấp hơn 2 lần so với 300.000 tấn cùng kỳ năm ngoái, theo các nguồn tin địa phương.

Năm 2012-2013, xuất khẩu gạo của Myanmar đạt 1,33 triệu tấn nhưng năm 2013-2014 giảm xuống 1 triệu tấn. Chính phủ nước này đang nỗ lực tăng xuất khẩu gạo và đưa xuất khẩu gạo vào vị trí ưu tiên trong Chiến lược Xuất khẩu Quốc gia giai đoạn 2014-2019 cũng như cố gắng mở thêm thị trường mới.

Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) ước tính năm 2013-2014 (tháng 1-12/2014) sản lượng gạo của Myanmar đạt 12 triệu tấn và xuất khẩu đạt 1,3 triệu tấn.

T.Hải

Nguồn: Vinanet/Reuters, Oryza