(VINANET) – Giao dịch gạo trên các thị trường châu Á tuần này trầm lắng, mặc dù giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã giảm xuống thấp nhất 4 tháng rưỡi, gạo Thái Lan cũng ở mức tương đương bởi nhu cầu mua yếu.

Thái Lan và Việt Nam chiếm tổng cộng 40% mậu dịch gạo toàn cầu – ước đạt kỷ lục 39,7 triệu tấn trong năm nay (theo Tổ chức Nông Lương Liên Hiệp Quốc).

Reuters dẫn lời một thương gia ở TP HCM cho biết “Không có những thay đổi đáng kể về nhu cầu”, với khách hàng châu Phi và Trung Quốc gần đây đều không tích cực mua.

Theo tin từ Bộ Thương mại Thái Lan, chính phủ nước này chào bán 2 triệu tấn gạo và 200.000 tấn cao su cho Trung Quốc. Tuy nhiên, việc chào bán này không có tác động tới thị trường Thái bởi lượng tồn trữ cồn rất lớn trong khi thiếu vắng khách hàng.

Gạo 5% tấm của Việt Nam giá giảm xuống 410 – 415 USD/tấn, FOB cảng Sài Gòn, tương đương gạo cùng loại của Thái Lan. Một tuần trước đây, loại gạo này có giá 425 – 430 USD/tấn. Theo thống kê của Reuters thì mức giá 410 USD/tấn là thấp nhất kể từ 25/6.

Gạo 25% tấm của Việt Nam giá cũng giảm xuống 360- 365 USD/tấn1 từ mức 390 USD/tấn một tuần trước đây.

“Nếu giá gao Thái vẫn ở mức hiện nay thì Việt Nam khó có thể nâng giá lên”, một thương gia Thái Lan nhận định. “Chương trình thu mua tạm trữ của chính phủ Thái những năm qua đã bóp méo thị trường gạo, không chỉ của Thái Lan, mà của cả các nước khác”.

Thái Lan hiện còn tới 18 triệu tấn gạo dự trữ từ các chương trình thu mua trước, và khoảng 70% trong đó đang hỏng và 1/5 còn lại không dùng làm lương thực cho người được nữa, tức là chỉ còn khoảng 1/10 đủ tiêu chuẩn xuất khẩu.

Việt Nam đã xuất khẩu 5,6 triệu tấn gạo trong 10 tháng đầu năm 2014, giảm 4,3% so với cùng kỳ năm ngoái, theo số liệu của Tổng cục Hải quan.

Khách hàng mua nhiều nhất của Việt Nam trong 10 tháng qua là Trung Quốc, nhưng khối lượng nhập của Trung Quốc từ Việt Nam cũng giảm khoảng 5,5% so với cùng kỳ năm ngoái xuống 1,92 triệu tấn, theo số liệu của Hải quan.

Trên thị trường Philippine, giá gạo tháng 9 diễn biến trái chiều. Giá bán buôn và bán lẻ gạo trắng cao cấp (WMR) tăng nhẹ, song giá gạo trắng thông thường (RMR) lại giảm trong tháng 9.

Theo số liệu của Cục Thông kê Nông nghiệp Philippines (BAS), tháng 9/2014, giá bán lẻ trung bình gạo WMR tăng lên 43,87 peso/kg từ 43,6 peso/kg trong tháng 8/2014 và tăng 12% từ 39,19 peso/kg trong tháng 9/2013. Giá bán buôn trung bình gạo WMR tăng lên 41,2 peso/kg, tăng 1% từ 40,81 peso/kg trong tháng 8/2014 và tăng 11% so với tháng 9/2013.

Trong khi đó, trong tháng 9/2014, giá bán lẻ trung bình gạo RMR giảm xuống 40,42 peso/kg, giảm 1% từ 40,75 peso/kg trong tháng 8/2014, nhưng tăng 12% so với 36,07 peso/kg trong tháng 9/2013. Giá bán buôn trung bình gạo RMR giảm xuống 38,14 peso/kg, giảm nhẹ so với 38,35 peso/kg trong tháng 8/2014, nhưng tăng 12% so với 34 peso/kg trong tháng 9/2013.

Đến nay, Philippines đã nhập khẩu 1,8 triệu tấn gạo, kể cả 1,5 triệu tấn nhập khẩu trong năm nay và 300.000 tấn còn lại của năm ngoái, nhằm bổ sung lượng gạo dự trữ và kiểm soát giá tăng. Cơ quan Lương thực Quốc gia Philippines (NFA) được phép nhập khẩu thêm 500.000 tấn gạo trong năm nay, nếu cần thiết.

Những thông tin liên quan

Việt Nam tham gia Hội nghị thương mại gạo thế giới 2014

Hội nghị Thương mại Gạo Thế giới lần thứ 6 (The Rice Trader 2014) đã khai mạc tại thủ đô Phnom Penh vào sáng 19/11 với sự tham dự của khoảng 500 đại biểu của các công ty, hiệp hội sản xuất, chế biến và xuất khẩu gạo từ gần 40 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó đoàn Việt Nam có hơn 80 đại biểu, đại diện cho gần 50 công ty và hiệp hội.

Trong hai ngày diễn ra hội nghị, bên cạnh hoạt động giao lưu, xúc tiến thương mại, các đại biểu tham gia thảo luận các chủ đề nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất và xuất khẩu gạo, đảm bảo tính phát triển bền vững trong hoạt động trồng lúa; bàn về các biện pháp giải quyết các vướng mắc trong hoạt động xuất khẩu gạo, cũng như xu hướng và thách thức của hoạt động xuất khẩu gạo năm 2015. Hội nghị cũng tiến hành tuyển chọn và trao giải cho loại gạo ngon nhất năm 2014.

Hiện nay, Việt Nam đang tập trung tăng cao chất lượng gạo, nâng cao giá trị hàng hóa, tăng thêm lợi nhuận cho người sản xuất và tiến tới hình thành thương hiệu gạo của Việt Nam trên thế giới.

Khu vực Đông Nam Á vẫn được coi là một trong những trọng điểm sản xuất lúa gạo của thế giới, với những nước xuất khẩu gạo hàng đầu như Thái Lan, Việt Nam. Trong những năm gần đây, Việt Nam là nhà xuất khẩu gạo lớn thứ hai thế giới với sản lượng tăng trưởng ổn định.

Gạo Thái Lan và Campuchia giành danh hiệu gạo ngon nhất thế giới năm thứ 3 liên tiếp

Ngày 20/11, gạo thơm của Campuchia và Thái Lan đã được trao giải gạo ngon nhất thế giới năm 2014 trong khuôn khổ Hội nghị Gạo Thế giới lần thứ 6 diễn ra tại Phnom Penh (Campuchia). Gạo Romduol của Campuchia và gạo lứt đỏ của Thái Lan đã đạt giải gạo ngon nhất, chủ yếu dựa trên tiêu chí hương vị và hình dáng hạt gạo.

Trong 10 tháng đầu năm nay, Campuchia đã xuất khẩu 304.788 tấn gạo, thu về khoảng 180 triệu USD, còn Thái Lan đã xuất khẩu khoảng 8 triệu tấn gạo và ước tính đạt 10,5 triệu tấn trong cả năm nay.

Gạo thơm Thái Lan quyết giành lại thị phần tại Hong Kong

Thái Lan đang nỗ lực khôi phục lại hoạt động xuất khẩu gạo thơm jasmine sang Hong Kong sau khi bị mất đáng kể thị phần trong 3 năm qua.

Thứ trưởng Bộ Thương mại Thái Lan hôm 18/11 tại Bangkok đã có cuộc hội đàm với gần 40 nhà nhập khẩu gọ từ Hong Kong nhằm thảo luận kế hoạch hành động. Bộ Thương mại Thái Lan cũng quyết định phối hợp với các nhà xuất khẩu gạo nước này cùng với các nhà nhập khẩu gạo Hong Kong nhằm đẩy mạnh xuất khẩu gạo Hom Mali sang thị trường Hong Kong.

Xuất khẩu gạo Hom Mali của Thái Lan năm 2012 giảm 12% xuống 1,38 triệu tấn  từ 1,56 triệu tấn năm 2011, nhưng hồi phục nhẹ lên 1,48 triệu tấn trong năm 2013.

9 tháng đầu năm 2014, xuất khẩu gạo Hom Mali của Thái Lan đạt 1,3 triệu tấn, giảm 4,6% so với 1,36 triệu tấn cùng kỳ năm 2013.

Đài Loan thay đổi tiêu chuẩn xuất nhập khẩu gạo

Vụ Thị trường châu Á - Thái Bình Dương (Bộ Công Thương) vừa cho biết, Cục Thương mại Quốc tế Đài Loan đưa ra thông cáo về việc tăng cường quản lý xuất nhập khẩu gạo và các sản phẩm từ gạonhằm phục vụ nhu cầu nghiệp vụ quản lý của Ủy ban Nông nghiệp Đài Loan.

Theo đó, Đài Loan quy định yêu cầu 28 dòng sản phẩm gạo và các sản phẩm làm từ gạo ngoài quy định cũ yêu cầu phải có giấy phép nhập khẩu của Ủy ban Nông nghiệp Đài Loan, bản photocopy giấy phép đăng ký kinh doanh sản phẩm gạo, cần phải có thêm giấy đăng ký nhập khẩu lương thực; riêng gạo nâu phải có giấy phép đồng ý của Ủy ban Nông nghiệp Đài Loan.

Đồng thời, yêu cầu 4 dòng sản phẩm gồm: bột gạo nếp, bột gạo, gạo tách vỏ, gạo hạt tròn ngoài quy định cũ yêu cầu phải có giấy phép xuất khẩu của Ủy ban Nông nghiệp Đài Loan, bản photocopy giấy phép đăng ký kinh doanh sản phẩm gạo phải có thêm giấy đăng ký xuất khẩu lương thực.

Sản lượng lúa của Lào năm 2014 ước đạt 3,3 triệu tấn, giảm 3%

Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO) dự báo sản lượng lúa năm 2014 của Lào giảm 3% xuống 3,3 triệu tấn (2 triệu tấn gạo) từ 3,415 triệu tấn (2,15 triệu tấn gạo) năm 2013.

Nguyên nhân chủ yếu là do mưa lớn hồi đầu tháng 8 đã gây ngập úng cục bộ và gây thiệt hại mùa màng ở nhiều khu vực miền bắc và miền trung nước này. Bên cạnh đó, giá lúa thấp trong thời gian gieo cấy cũng khiến nông dân không mấy mặn mà canh tác, do vậy, diện tích gieo cấy cũng giảm đáng kể.

Trong khi đó, theo Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), thông thường Lào nhập khẩu 10.000 tấn gạo để đáp ứng nhu cầu tiieeu thụ 1,58 triệu tấn. Tuy nhiên, FAO dự báo năm nay Lào có thể tự túc lúa gạo mà không cần nhập khẩu

Lào đang đặt mục tiêu tăng sản lượng lúa gạo thêm 1 triệu tấn và trở thành nước xuất khẩu gạo vào năm 2015.

USDA ước tính sản lượng lúa năm 2013-2014 của Lào đạt 2,46 triệu tấn (1,55 triệu tấn gạo), tăng 5,8% so với 2,325 triệu tấn (1,465 triệu tấn gạo) năm trước đó.

T.Hải

Nguồn: Vinanet/Reuters, Oryza