Theo VAFI ngoài nguyên nhân trực tiếp dẫn tới đợt tụt dốc tới 70% của TTCK vừa qua là chính sách thắt chặt tiền tệ, thì còn những nguyên nhân sâu xa khác là việc nhà đầu tư tổ chức và cá nhân trong nước đổ xô đi vay tiền từ ngân hàng, công ty chứng khoán, công ty tài chính để gia tăng đầu tư. Cùng với đó, một số tổ chức tài chính đã lách chỉ thị 03 dưới các hình thức như: Gia tăng cho vay bất động sản nhằm tăng tín dụng cho vay chứng khoán; chuyển các khoản nợ cho vay từ nhà đầu tư với ngân hàng thuơng mại về các công ty chứng khoán con.

Tổng Thư ký VAFI cho biết, phong trào đi vay đã nhanh chóng tạo cầu ảo lớn, tạo những giao dịch mua bán chứng khoán cực kỳ ngắn hạn (hay còn gọi lướt sóng) bằng vốn đi vay. Hậu quả là làm cho TTCK “mất hết khả năng đề kháng” và khi có biến động vĩ mô hay một tác nhân nào đó thì hình thành liên tiếp những đợt bán tháo cổ phiếu. Đặc biệt, VAFI cũng nhấn mạnh tới việc các đơn vị thuộc UBCKNN chỉ lo những công việc cấp phép mà không lo tới những hoạt động cơ bản như hoạch định chính sách, cải cách thủ tục hành chính hay giám sát thị trường.

Theo đánh giá của Hiệp hội này, UBCKNN là đơn vị tồn tại nhiều loại giấy phép nhất trong các đơn vị thuộc Bộ Tài chính. “Có nhiều loại giấy phép không có trong Luật nhưng trên thực tế vẫn phải có thì doanh nghiệp mới được phép làm.

Bên cạnh việc phân tích những nguyên nhân làm ảnh hưởng đến thị trường, VAFI cũng đưa ra một số kiến nghị, giải pháp nhằm giúp thị trường phát triển bền vững. VAFI đề nghị Ngân hàng Nhà nước cần có chính sách hạn chế và tiến tới chấm dứt việc cho vay vốn dưới nhiều hình thức trong nghiệp vụ đầu tư chứng khoán và đề ra lộ trình giảm dần dư nợ cho vay đầu tư chứng khoán. Đề cập tới giải pháp cho một số vấn đề bất cập trên TTCK hiện nay, VAFI đề nghị UBCKNN phải tiến hành đánh giá lại hệ thống giấy phép hiện nay theo hướng: Cắt bỏ 70% lượng giấy phép thừa; Kiên quyết thực hiện phân cấp quản lý cho các TTGD, Sở GDCK; Tập trung 80% nhân lực và quỹ thời gian của CBCNV thuộc Uỷ ban vào công tác giám sát thị trường và hoạch định chính sách.

Một số kiến nghị khác nhằm phát triển thị trường bền vững bao gồm: Đề ra lộ trình giảm dần dư nợ cho vay đầu tư chứng khoán. Có thể lấy mốc 30/12/2008, dư nợ cho vay ĐTCK chỉ chiếm 10%/vốn điều lệ của 1 ngân hàng và tới thời điểm 30/9/2009 kết thúc dư nợ. Tuy nhiên một số dịch vụ lành mạnh cho sự phát triển của thị trường cũng như tạo thuận lợi cho nhà đầu tư thì cần được giữ nguyên như: Cho phép cầm cố sổ tiết kiệm để vay tiền đầu tư chứng khoán; Dịch vụ ứng trước tiền bán chứng khoán; Cho phép nhà đầu tư nước ngoài thực hiện mua xong cổ phiếu mới chuyển đổi sang tiền VND, trên cơ sở số dư ngoại tệ.

VAFI đề nghị UBCKNN nên đề xuất với Chính phủ qui định về bắt buộc bảo lãnh phát hành ra công chúng trong mọi trường hợp nhằm đảm bảo nguồn cung cổ phiếu hợp lý và có chất lượng cho TTCK.VAFI cũng yêu cầu phải nhanh chóng tiến hành việc cổ phần hoá các TTGDCK theo hướng sát nhập, lựa chọn sở GDCK nước ngoài cộng với các nhà đầu tư tài chính. Tránh sự can thiệp hành chính hàng ngày vào công việc của các Sở GDCK.      

 

Nguồn: Diễn đàn doanh nghiệp