Việt Nam hầu như chưa có các vùng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tập trung, các nhà máy phải nhập khẩu hơn 50% lượng nguyên liệu từ nước ngoài.
Sáng (4/12), tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo về nhu cầu vật tư và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và kiến thức về hải quan do Ban tổ chức Hội chợ Vietnam – China Expo 2010 tổ chức. Trong đó vấn đề nhập siêu vật liệu nông nghiệp, của Việt Nam đã được nhiều doanh nghiệp quan tâm.
Theo TS. Đinh Văn Hải, Trưởng bộ môn Kinh tế Phát triển (Học viện Tài chính), nước ta hiện có trên 240 nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi với sản lượng lên đến 9,5 triệu tấn. Tuy nhiên, nước ta hầu như chưa có các vùng nguyên liệu tập trung, các nhà máy phải nhập khẩu hơn 50% lượng nguyên liệu từ nước ngoài.
Còn theo số liệu của Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam, ước tính năm 2010 Việt Nam phải nhập khoảng 1,6 triệu tấn ngô, tăng 350.000 tấn so với năm 2009. Các loại nguyên liệu thức ăn giàu đạm khác như đậu tương, khô dầu phải nhập 90-95%; Premix khoáng, vitamin, các chất tạo màu, tạo mùi phải nhập khẩu 95-98%...
“Việt Nam một nước có thế mạnh nông nghiệp nhưng từ đầu năm đến nay ngành chế biến thức ăn đã phải nhập khẩu gần 1,6 tỷ USD nguyên liệu, là một trong năm nước nhập khẩu một số loại nông sản lớn nhất châu Á”, ông Hải cho biết.
Thị trường máy móc nông nghiệp cũng rơi vào tình trạng tương tự. Ngành nông nghiệp thiếu máy móc trầm trọng trong khi máy móc, vật tư do Việt Nam sản xuất ra dùng không có hiệu quả.
Đánh giá về nhu cầu máy móc nông nghiệp Việt Nam hiện nay ông Lê Phấn Hải, Phó phòng Thị trường và Kinh doanh (Tổng công ty máy Động lực và Nông nghiệp – VEAM) cho rằng, nhu cầu của thị trường Việt Nam hiện rất lớn nhưng nhiều doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm. Do sản xuất máy nông nghiệp lợi nhuận không cao nên nhiều doanh nghiệp đã chuyển sang gia công phụ tùng cho các hãng Honda, Toyota…khiến nhiều tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, sông Hồng người nông dân gặp tình trạng thiếu trầm trọng máy móc cơ giới.
Đối với phân bón, theo ông Nguyễn Đình Hạc Thúy, Phó chủ tịch Hiệp hội phân bón Việt Nam (FAV), do Việt Nam vẫn phải nhập khẩu 50% lượng phân ure, 20-30% phân DAP và 100% phân Kali nên giá trong nước phụ thuộc nhiều vào giá thế giới. Trong vòng 2 tháng qua, giá phân bón thế giới tăng 40-100USD/tấn cộng thêm việc tỷ giá đồng USD tăng đã kéo theo giá phân bón trong nước tăng lên.
Trước thực trạng nêu trên, theo TS. Đinh Văn Hải thì nhà nước cần có một chiến lược xây dựng chiến lược, quy hoạch sản xuất vật tư cho ngành nông nghiệp theo yêu cầu phát triển của đất nước. Đồng thời, cần xây dựng hệ thống thị trường đồng bộ cung cấp vật tư cho ngành nông nghiệp, cần có được các nhà cung cấp đủ lớn để đáp ứng nhu cầu ngày càng gia tăng. Bên cạnh đó, nhà nước cũng cần hỗ trợ cho người sản xuất vượt qua khó khăn khi khan hiếm vật tư, giá vật tư cao… nhằm duy trì và phát triển sản xuất…

Nguồn: Tin tham khảo