So với hai vị trí phía trên là Trung Quốc và Ấn Độ đều giữ mức ổn định và tăng hơn so với năm ngoái về số phần trăm các doanh nghiệp “ủng hộ”, thì phiếu bầu cho Việt Nam giảm từ 152/471 trong lần khảo sát năm 2008 xuống còn 149/480 trong năm nay.
Tuy mức giảm điểm có thể nói là không lớn, song nếu so với Thái Lan có bước tăng khá mạnh, từ hạng thứ 5 vào năm ngoái lên hạng thứ 4 trong năm nay, thì sức ép cạnh tranh của thị trường Việt Nam trong thu hút các nhà đầu tư Nhật Bản dường như đang tăng lên.
 
Cũng trong cảm giác “ổn định”, 5 tồn tại chính của môi trường kinh doanh Việt Nam trong cách đánh giá của các nhà đầu tư Nhật Bản vẫn tiếp tục là cơ sở hạ tầng kém phát triển; thực thi pháp luật không rõ ràng; khó tuyển dụng nhân lực cấp quản lý; chi phí nhân công tăng và hệ thống pháp lý chưa phát triển.
 
Điều đáng nói là, điểm tồn tại về “hệ thống pháp lý chưa phát triển” sau khi không còn là rào cản lớn vào năm 2008, đã quay trở lại trong nhận định của các doanh nghiệp Nhật Bản trong năm nay. Cùng với đó, lo ngại về giá nhân công tăng đang nổi lên là điểm đáng quan ngại của các nhà đầu tư Nhật Bản khi hoạt động đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.
 
Không những thế, ngay trong những lý do lựa chọn Việt Nam để đầu tư mà các nhà đầu tư Nhật Bản đưa ra, những lợi thế vốn có của Việt Nam như lao động rẻ, chất lượng nguồn lao động đang giảm đi. 
 
Mặc dù điều này thuận chiều với những thay đổi trong cơ cấu thu hút đầu tư của Việt Nam là chuyển hướng sang những lĩnh vực công nghệ cao, đòi hỏi nguồn nhân lực có đào tạo… song sẽ lại là vấn đề lớn khi đây lại là một trong 5 tồn tại lớn của môi trường kinh doanh Việt Nam.
 
Tuy nhiên, so với năm 2008, sự chuyển dịch tích cực thuộc về điểm yếu hạ tầng. Các nhà đầu tư Nhật Bản, dù vẫn buộc phải đưa tồn tại này lên hàng đầu trong số 5 điểm yếu lớn của môi trường kinh doanh Việt Nam, song cũng đồng thời đưa ra những ghi nhận đáng kể về sự cải thiện.
 
Cụ thể, năm 2008, 47% doanh nghiệp Nhật Bản phàn nàn về hạ tầng thì năm nay, con số đó giảm xuống còn 33,8%.  Các chuyên gia của Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC) cũng cho rằng, sự thay đổi này mang ý nghĩa tích cực.
 
Cùng với những đánh giá cao về tiềm năng phát triển của thị trường nội địa, nguồn nhân lực giá rẻ, chất lượng nguồn nhân lực, khả năng phân tán rủi ro tốt hơn các quốc gia khác, sự phát triển của ngành công nghiệp phụ trợ, thì 55 trong tổng số 149 doanh nghiệp khẳng định tiếp tục duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh tại Việt Nam.
 

Nguồn: Báo đầu tư