Đồ chơi trẻ em được bán từ các chợ quê ở những vùng nông thôn đến các siêu thị, trung tâm thương mại hay vô số những cửa hàng tạp hoá nhỏ lẻ trong các ngõ ngách phố phường. Không chỉ thế, mặt hàng này còn chiếm phần lớn không gian và gắn liền với tên tuổi các khu phố, khu chợ ở các thành phố lớn như Lương Văn Can, Hàng Mã, chợ Đồng Xuân (Hà Nội), khu vực Chợ Lớn, Chợ An Đông (Thành phố Hồ Chí Minh).

Những nơi này đặc biệt tấp nập bán mua vào những ngày cuối tuần hay những dịp lễ tết. Chủng loại đồ chơi cũng vô cùng đa dạng, từ những chiếc mặt nạ hay hình thể ngộ nghĩnh được làm từ gỗ, tre nứa, đất nung, vải, da, giấy bồi…; đến những mô hình các phương tiện hiện đại như người máy, máy bay, ô tô.... Mỗi đứa trẻ ngày nay, đặc biệt là ở các thành phố lớn, thường sở hữu rất nhiều đồ chơi và được “nâng cấp” qua mỗi lần sinh nhật, hay dịp Tết Trung thu, Tết thiếu nhi 1/6.

Giới kinh doanh đồ chơi ở chợ Đồng Xuân cho biết họ đang ngày càng làm ăn phát đạt hơn nhờ mức sống của người dân được nâng dần cùng với sự quan tâm dành cho con trẻ. Vào những ngày tết dành cho trẻ em, đồ chơi nhập khẩu cũng như sản xuất trong nước ở khu vực này đều bán rất chạy, có khi còn “cháy” hàng.

Hiện ở Việt Nam có khoảng 100 cơ sở trong nước sản xuất đồ chơi trẻ em chuyên nghiệp, trong đó nhiều loại thú nhồi bông, đồ chơi bằng gỗ, nhựa đã được người tiêu dùng ưa chuộng.

Các nhà sản xuất đồ chơi nước ngoài cũng đang ngày càng quan tâm đến thị trường Việt Nam, từ việc mở đại lý tiêu thụ sản phẩm đến những kế hoạch đầu tư sản xuất tại đây. Trong số này, có hãng sản xuất đồ chơi hàng đầu Nhật Bản Takara Tomy vừa đưa vào hoạt động nhà máy sản xuất đồ chơi trẻ em tại thành phố Hải Phòng.

Dù vậy, thị trường đồ chơi trẻ em Việt Nam hiện nay vẫn chủ yếu tiêu thụ hàng Trung Quốc vì mẫu mã  đẹp, đa dạng mà giá lại rẻ. Công nghiệp sản xuất đồ chơi trong nước vẫn vắng bóng các tên tuổi lớn và chỉ chiếm một thị phần khá khiêm tốn.

Giám đốc Quỹ Hỗ trợ sáng tạo Kỹ thuật Việt Nam (VIFOTEC) nhận xét rằng các nhà khoa học Việt Nam đang thờ ơ với công nghệ sản xuất đồ chơi trẻ em. Ông cho biết,  trong số hơn 2.000 công trình đăng ký dự thi Giải thưởng này trong 10 năm qua hầu như không có ý tưởng nào về đồ chơi trẻ em, cho dù ban tổ chức đã rất chú trọng khuyến khích.

Tổng thư ký Hội Cơ học Việt Nam cho rằng, chỉ khi doanh nghiệp thực sự vào cuộc, hiện thực hóa ý tưởng sáng tạo của các nhà khoa học thì mới mong tìm ra hướng đi cho ngành công nghiệp này.

Bởi vậy, các chuyên gia cũng khuyến nghị về sự cần thiết phải ban hành quy chuẩn về chất lượng, độ an toàn cho đồ chơi trẻ em bên cạnh việc áp dụng các cơ chế ưu đãi, khuyến khích sự hợp tác giữa nhà khoa học và doanh nghiệp để thúc đẩy công nghiệp sản xuất đồ chơi trẻ em phát triển.

Nguồn: Thông tấn xã Việt Nam