Bên cạnh chiều hướng phát triển khá và tốc độ tăng trưởng nhanh của khu vực kinh tế trong nước, công nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cũng tăng cả về quy mô và số lượng. Đặc biệt, tỉnh đã rất chú trọng các ngành công nghiệp ưu tiên.

Các ngành này chủ yếu tập trung ở công nghiệp chế biến, trong đó, ngành cơ khí lắp ráp ô tô, xe máy chiếm tỷ trọng lớn và được ưu tiên tập trung phát triển để trở thành ngành công nghiệp chủ đạo của tỉnh. Nhờ lựa chọn các dự án đầu tư có chọn lọc, đầu tư theo chiều sâu cùng với các cơ chế, chính sách phù hợp, ngành cơ khí lắp ráp ô tô, xe máy đã  không ngừng phát triển trong những năm qua. Sản lượng ô tô từ 13.168 chiếc năm 2005 đã tăng lên 24.284 chiếc năm 2007, kế hoạch năm 2008 là 30.000 chiếc; sản lượng xe máy từ 698.260 chiếc năm 2005 lên 1.477.900 chiếc năm 2007, kế hoạch cả năm 2008 là 1.500.000 chiếc.

 Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã hình thành 4 doanh nghiệp FDI sản xuất, lắp ráp ô tô, xe máy có sản lượng lớn là Công ty Honda Việt Nam, Công ty Toyota Việt Nam, Công ty Daewoo bus, Công ty Piagio Việt Nam. Bên cạnh đó, còn có 22 doanh nghiệp sản xuất linh kiện phụ trợ với tổng vốn đăng kí 166,4 triệu USD, 13 doanh nghiệp trong số này đã đi vào sản xuất. Sự phát triển nhanh chóng đó đã giúp cho tỷ lệ nội địa hóa ngành lắp ráp ô tô, xe máy của Vĩnh Phúc đạt từ 35 đến 40%. Với ưu thế các sản phẩm đang chiếm lĩnh thị phần lớn trên thị trường Việt Nam, các doanh nghiệp này đang chủ trương mở rộng sản xuất, tăng sản lượng, hướng tới mục tiêu xuất khẩu ra các thị trường nước ngoài.

Ngành công nghiệp vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh có nhiều lợi thế về nguyên liệu và nhu cầu tiêu dùng ngày càng tăng nên vẫn duy trì tăng trưởng mạnh cả về quy mô, số lượng và chất lượng sản phẩm. Sản lượng năm 2007 đạt trên 60 triệu m2, 6 tháng đầu năm 2008 đạt 25,5 triệu m2. Riêng Tập đoàn Prime Group với việc đầu tư thêm một số nhà máy, nâng sản lượng lên trên 40 triệu m2/năm đã trở thành Tập đoàn đứng đầu Đông Nam Á về sản lượng gạch ceramic.

Dệt may, da giầy cũng là những ngành công nghiệp được ưu tiên phát triển trên địa bàn tỉnh. Hiện đã có 8 doanh nghiệp may mặc, trong đó có 6 doanh nghiệp FDI với tổng công suất đạt 25 triệu sản phẩm/năm và 2 doanh nghiệp DDI đạt công suất 10 triệu sản phẩm/năm. Năm 2007, đã có thêm 2 dự án sản xuất nguyên phụ liệu cho hàng dệt may với tổng vốn đầu tư 5 triệu USD được khởi động.

Đặc biệt phải kể đến ngành công nghiệp điện tử  với 7 doanh nghiệp sản xuất các linh kiện, phụ kiện đã và đang được xây dựng với tổng vốn đầu tư 35,5 triệu USD. Sự xuất hiện của Tập đoàn Compall với dự kiến sản lượng sản xuất 41 triệu máy tính xách tay mỗi năm và Tập đoàn Hồng Hải - Tập đoàn sản xuất điện thoại di động với tổng vốn đầu tư 1 triệu USD sẽ khởi đầu cho sự lớn mạnh của ngành công nghiệp này ở Vĩnh Phúc trong tương lai.

Thời gian tới, tỉnh chủ trương tiếp tục phát triển mạnh các ngành công nghiệp ưu tiên với mục tiêu đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu. Các thị trường trọng tâm được hướng tới là Nhật Bản, Hoa Kỳ, EU, ASEAN…

(TTXT TM Vĩnh Phúc)

 

Nguồn: Vinanet