Bên cạnh đó, một trận bão tuyết mạnh ở vùng bờ biển phía Đông đã buộc các cửa hàng và trung tâm mua sắm phải đóng cửa trong ngày “Thứ 7 tuyệt vời” (Super Saturday), ngày mua sắm cuối tuần nhộn nhịp nhất trước lễ Giáng sinh.

Nhà đầu tư sẽ vô cùng lo lắng và thắc mắc liệu người tiêu dùng có tăng cường mua sắm quà tặng cho dịp lễ lớn nhất trong năm hay không.

Cùng với tâm lý hồi hộp chờ đợi lễ Giáng sinh là các số liệu kinh tế quan trọng bao gồm chỉ số lòng tin người tiêu dùng của Reuters và Đại học Michigan, chi tiêu và thu nhập cá nhân, số người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu trong tuần.

Đáng chú ý, nhà đầu tư cũng sẽ dõi theo số liệu điều chỉnh cuối cùng về Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) quý III. Tuy nhiên, do đà tăng của thị trường trong thời gian qua đã dựa vào sự phục hồi của nền kinh tế nên sẽ không xuất hiện phản ứng mạnh trước số liệu này. Ngoài ra, doanh số bán nhà đã qua sử dụng và doanh số bán nhà mới cũng là hai số liệu cần quan tâm trong tuần tới.

Sàn New York sẽ đóng cửa sớm trong ngày Thứ Năm để ăn mừng đêm trước lễ Noel và thị trường Mỹ cũng nghỉ giao dịch trong cả ngày Thứ Sáu.

Căng thẳng giữa Iraq và Iran về việc tranh chấp quyền sở hữu các mỏ dầu cũng có thể lọt vào tầm ngắm của thị trường và ảnh hưởng đến giá cổ phiếu nếu tình hình ngày càng tồi tệ hơn.

Được biết, Wall Street thường được ông già Noel tặng cho một đợt tăng điểm rất ngọt ngào và ngắn trong các ngày cuối cùng của năm cũ và đầu tiên của năm mới.

Thế nhưng, sau khi S&P 500 đã leo cao tới 63% so với mức thấp ngày 09/03, nhà đầu tư tự hỏi thị trường cần chất xúc tác nào để tìm lại được đà tăng mạnh.

“Tôi đã từng cho rằng Wall Street sẽ còn đón nhận một đợt tăng điểm nữa nhưng dường như lúc này nhà đầu tư lại có tâm lý để thị trường tự điều chỉnh đà tăng trong năm qua và còn tỏ ra rất vui mừng khi tiến hành hoạt động chốt lời.”, nhận định của chiến lược gia Michael Sheldon từ Công ty Tài chính RDM tại Connecticut.

Chỉ số S&P 500 đã dao động trong khoảng từ 1.085-1.119 điểm kể từ đầu Tháng 11 khi các chuyên viên giao dịch chỉ lo quan tâm đến việc bảo toàn lợi nhuận năm 2009 hơn là chuốc thêm rủi ro. Tính từ đầu năm đến nay, S&P 500 đã tăng 22,1%.

Trong Tháng 12 này, sự phục hồi mạnh của đồng USD cũng góp phần giới hạn đà đi lên của thị trường khi mối tương quan ngược chiều giữa đồng bạc xanh và cổ phiếu dần trở nên mờ nhạt. 

Dù vậy ở diễn biến ngược lại, nghi thức làm đẹp báo cáo tài chính “window dressing” vào thời điểm cuối năm có thể là một yếu tố hết sức tích cực. The đó, các nhà quản lý quỹ sẽ bán ra số cổ phiếu lỗ và mua vào các cổ phiếu sinh lời cao để trang hoàng danh mục đầu tư của mình.

Thị trường cũng có thể biến động hơn trong tuần tới do số lượng nhà đầu tư tham gia suy giảm trong kỳ nghỉ lễ. Trên thực tế, thị trường vẫn có thể tăng điểm khi khối lượng giao dịch thấp như trong năm qua, nhưng đa số các nhà phân tích đều dự đoán thị trường đi ngang trong các ngày tới.

“Mùa đông ác nghiệt” của các nhà bán lẻ

Điều quan trọng nhất đối với triển vọng thị trường là nhà đầu tư sẽ tham gia mua sắm trong kỳ nghỉ lễ sau ngày “Thứ 7 tuyệt vời”. Các nhà bán lẻ từng kỳ vọng rất nhiều vào sự gia tăng của số người mua sắm trong dịp cuối tuần trước lễ Giáng sinh, nhưng trận bão tuyết ở vùng bờ biển phía Đông đã xóa sạch niềm hy vọng này khi việc đi lại trên nhiều khu vực trở nên rất nguy hiểm.

Thậm chí trước khi xảy ra trận bão, nhiều chuyên gia nghi ngờ rằng liệu ngày “Thứ 7 tuyệt vời” có đủ để đẩy doanh số ngày lễ cao hơn nhiều so với mức thấp thảm hại trong năm ngoái hay không.

Theo Hội đồng các trung tâm mua sắm quốc tế (ICSC), 2008 là năm đầu tiên trong một thập kỷ qua doanh số bán trong ngày lễ sụt giảm cùng với sự tuyệt vọng của người tiêu dùng trong bối cảnh khủng hoảng tài chính và thất nghiệp ngày càng leo thang.

Sự lưỡng lự của người tiêu dùng trong năm nay đã khiến chi tiêu vẫn còn khá ảm đạm. Đây chính là một trong những trở ngại lớn nhất đối với đà phục hồi của nền kinh tế Mỹ. 

Thống kê sơ bộ của ShopperTrak - Công ty chuyên theo dõi việc kinh doanh của các nhà bán lẻ - sẽ cung cấp thêm các số liệu rõ ràng về lưu lượng mua sắm cũng như doanh số bán tại các cửa hàng.

Bằng chứng thuyết phục hơn về sức mua sắm và xu hướng chi tiêu của người tiêu dùng sẽ được công bố trong ngày Thứ Tư  thông qua bản báo cáo về tâm lý người tiêu dùng của Reuters và Đại học Michigan. Các nhà kinh tế trong cuộc thăm dò của Reuters dự đoán chỉ số này tăng từ mức 67,4 điểm lên 73,5 điểm.

Số người nộp đơn xin nhận trợ cấp thất nghiệp lần đầu dự đoán giảm xuống mức 470.000 người từ mức 480.000 người trong tuần trước.

GDP và thị trường nhà ở tăng trưởng khiêm tốn

Số liệu điều chỉnh cuối cùng về GDP quý III sẽ được công bố trong ngày Thứ Ba. Theo dự đoán từ các nhà kinh tế, GDP điều chỉnh lần ba này sẽ khớp với mức công bố trước đó là 2,8%.

Doanh số bán nhà đã qua sử dụng Tháng 11 được công bố ngày Thứ Ba sẽ tăng từ 6,10 triệu đơn vị trong Tháng 10 lên 6,25 triệu đơn vị. Trong khi đó, doanh số bán nhà mới cùng tháng ước tăng từ 430.000 đơn vị trong Tháng 10 lên 440.000 đơn vị.

Căng thẳng Iraq và Iran

Một lực cản tiềm tàng đối với các thị trường trong tuần tới có thể là sự gia tăng xung đột giữa Iraq và Iran. Hôm Thứ Sáu, Iraq yêu cầu Iran lập tức rút quân ra khỏi các mỏ dầu nằm trên biên giới giữa hai nước song Iran đã không thực hiện lời đề nghị này.

Thế nhưng vào hôm Chủ Nhật, các quan chức hai nước cho biết một phần binh lính của Iran đã rút lui khỏi các mỏ dầu được cho là thuộc chủ quyền của cả Tehran và Baghdad. Điều này có khả năng xoa dịu bớt mối xung đột biên giới đang gây căng thẳng đến mối quan hệ nhạy cảm giữa hai quốc gia này. 

Mặc dù thị trường chứng khoán hôm Thứ Sáu đã không hề có bất kỳ phản ứng nào trước thông tin này, nhưng một khi tâm lý thù hằn gia tăng quá mức có thể làm nguồn cung dầu bị gián đoạn đột ngột, từ đó đẩy nhà đầu tư rời xa thị trường và quay trở lại với các tài sản an toàn như đồng USD và trái phiếu kho bạc Mỹ.

Chính căng thẳng giữa hai quốc gia Trung Đông này đã giúp dầu thô ngọt nhẹ giao Tháng 1 tại Mỹ hôm Thứ Sáu tăng 71 cent (tương đương gần 1%) lên 73,36 USD/cp.

( Vietstock)

Nguồn: Internet