Việt Nam - quốc gia có nền nông nghiệp lúa nước lâu đời, ngành nông nghiệp chiếm tỷ trọng cao hơn các ngành nghề khác (75%). Nhưng cho đến nay chúng ta vẫn là một đất nước chủ yếu là nhập khẩu phân bón, bao gồm nhiều chủng loại như: Ure hạt đục, DAP, SA, Kali,... và nhiều loại nguyên liệu sản xuất phân bón.

Trong 4 tháng đầu năm 2008 cả nước đã nhập 1,4 triệu tấn phân bón các loại, tăng 47,4% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, trong hơn 1 năm trở lại đây giá các loại phân bón trong nước liên tục tăng, khiến cho nông dân hết sức "đau đầu" với bài toán phân bón. Tình trạng tăng giá này được đánh giá là kỷ lục trong 35 năm qua. Chỉ tính riêng tại Trung Quốc chính sách thuế nhập khẩu mặt hàng này được điều chỉnh từ 0% lên đến 135% đã làm cho tình hình giá và lượng phân bón trên toàn cầu bất lợi, và ảnh hưởng lớn nhất là thị trường phân bón của Việt Nam.

Do đó, đã có nhiều định hướng phát triển của mặt hàng phân bón về sản xuất, nhập khẩu và dự trữ phân bón. Trong đó, Hiệp hội Phân bón Việt Nam phối hợp với các Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức hội thảo định hướng sản xuất, nhập khẩu và dự trữ phân bón. Đồng thời, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 418/TTg - KTTH về việc tăng cường các giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu, kềm chế nhập siêu, dự trữ hàng hóa đủ cung ứng với giá cả hợp lý các mặt hàng thiết yếu, (trong đó có các loại phân bón và vật tư nông nghiệp) và nông sản.

TƯ Hiệp hội Phân bón Việt Nam đã có văn bản trình Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương và UBND tỉnh Long An về việc khẩn trương xây dựng Tổng kho dự trữ cung ứng phân bón vật tư cho ĐBSCL. Công trình này được giao cho Cty CP quốc tế Năm Sao thực hiện.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam kiêm Tổng Thư ký cho biết, sở dĩ TƯ Hội Phân bón Việt Nam đề nghị xây dựng các tổng kho lớn là rất cấp thiết trong giai đoạn hiện nay. Nó không chỉ là mang lại hiệu quả lớn về kinh tế mà đây cũng chính là một phần chung vai chia sẻ gánh nặng cho nông dân trong vùng ĐBSCL. Tổng kho có sức chứa khoảng trên 200 ngàn tấn phân bón, là kho dự trữ và phân phối ở khu vực. Theo ông, với điều kiện như hiện tại việc giao xây dựng tổng kho này cho Cty CP quốc tế Năm Sao là hoàn toàn hợp lý, bởi các điều kiện sẵn có và khả năng sản xuất, kinh doanh của Năm Sao trong ngành phân bón là rất tốt.

Thực tế, ở thời điểm hiện tại Cty CP quốc tế Năm Sao đã được UBND tỉnh Long An quyết định giao đất theo Công văn số 1171/QĐ - UBND ngày 27/4/2007 và phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/2.000 cụm công nghiệp quốc tế Năm Sao, xã Long Định - Long Cang, huyện Cần Đước, tỉnh Long An theo Công văn số 1730 ngày 2/7/2007 với tổng diện tích lô đất 13 ha phù hợp với nhu cầu của một tổng kho phân bón vùng ĐBSCL.

Theo Giáo sư Võ Tòng Xuân, xây dựng Tổng kho dự trữ cung ứng phân bón vùng ĐBSCL là một việc làm thật thiết yếu và thực sự cần thiết cho nông dân, giúp cho nguồn cung ứng phân bón ổn định hơn, giảm bớt áp lực về giá mỗi khi đến thời vụ chăm bón. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại rất khó có thể xây dựng hoàn chỉnh một hệ thống tổng kho dự trữ bởi nguồn vốn cho việc thực hiện khá lớn. Thực tế, ngoài các doanh nghiệp trực tiếp sản xuất phân bón chuyên cung ứng nguồn phân bón cho nông dân tại chỗ thì hàng năm một lượng lớn phân bón được nhập khẩu vào khu vực ĐBSCL và hầu hết lượng phân nhập khẩu được các nhà phân phối phân trực tiếp ra các tỉnh, thành với nhu cầu thực tế để phân phối ngay khi phân nhập cảng. Như vậy, sẽ giảm được nhiều chi phí từ việc lưu kho bãi, hàng hóa bốc lên xuống nhưng ngược lại nó sẽ gây ra những thất thường của thị trường.

Việc xây dựng một tổng kho dự trữ phân bón, vật tư cho vùng ĐBSCL sẽ góp phần điều tiết giá cả, sản lượng và bình ổn thị trường, giúp cho bà con nông dân cả nước nói chung và các tỉnh ĐBSCL nói riêng yên tâm sản xuất.

Tổng kho được xây dựng trên lo đất 13 ha được UBND tỉnh Long An ứng cho Cty CP quốc tế Năm Sao tại xã Long Định, huyện Cần Đước, Long An với sức chứa khoảng trên 200 ngàn tấn phân bón để dự trữ và điều phối các loại phân bón và vật tư nông nghiệp cho các tỉnh miền Tây và ĐBSCL.

 

Nguồn: Diễn đàn doanh nghiệp