Ngành dệt may toàn cầu sẽ ra sao trong vòng 5 năm tới hoặc xa hơn nữa? Báo cáo mới của just-style tin rằng những cường quốc gia công hàng dệt may như Trung Quốc và Ấn Độ sẽ đi xuống trong khi những ngôi sao đang nổi như Việt Nam và Bangladesh sẽ tiếp tục tăng trưởng. Vòng đời sản phẩm sẽ ngắn hơn và vòng xoáy thị trường nhanh hơn sẽ tiếp tục gây sức ép cho chuỗi cung ứng của ngành. 
Trong năm 2007, 15 nhà xuất khẩu hàng đầu thế giới chiếm tới 82% thị trường hàng dệt may 600 tỷ USD của toàn cầu.
Tuy nhiên, tại Trung Quốc và Ấn độ, tình trạng bãi công, chi phí sản xuất  tăng cao và những vấn đề về vận tải đang khiến các nhà sản xuất phải đau đầu.
 
Tốc độ tăng trưởng và giá trị
Cả người mua hàng và nhà cung cấp ngày càng có xu hướng xét tới giá trị và tốc độ tăng trưởng của thị trường thay vì chi phí thấp nhất.
Những quốc gia coi Mỹ là thị trường xuất khẩu chủ lực đang có sự giảm nhẹ về xuất khẩu khi tình hình kinh tế chung trong năm 2008 giảm sút.
Tuy nhiên trong giai đoạn 2008-2014, các công ty tại những quốc gia Trung Mỹ dự kiến sẽ có tốc độ tăng trưởng mạnh nhất nhờ những chính sách thương mại đặc biệt khi những quốc gia này sử dụng vải sợi và các yếu tố đầu vào khác do Mỹ sản xuất.
Tương tự, một số quốc gia châu Phi cũng đang được hưởng lợi từ Luật cơ hội và phát triển châu Phi (AGOA), giúp họ tăng xuất khẩu đáng kể sang Mỹ và các quốc gia khác.
Tuy nhiên, tăng trưởng này là nhờ lợi thế cạnh tranh của các công ty Trung Quốc giảm do chi phí nhân công tăng, đồng NDT tăng giá, giá nguyên liệu thô tăng cao và mức hoàn thuế xuất khẩu giảm.
Tuy dự kiến xuất khẩu của Trung Quốc sẽ tăng khi Mỹ dỡ bỏ những hạn chế nhập khẩu đối với một số mặt hàng dệt may của Trung Quốc vào cuối năm 2008 nhưng các nhà quan sát của ngành cho rằng kể từ năm 2010 trở đi, Việt Nam và Bangladesh sẽ thay thế Trung Quốc và Ấn Độ.
 
Khuynh hướng sản xuất và xuất khẩu
Sản xuất hàng dệt may của Mỹ giảm liên tiếp kể từ năm 1997 và những tháng đầu năm 2008 đã xuống mức thấp nhất kể từ năm 1963. Tuy nhiên, giá trung bình trên sản phẩm lại tăng 25%.
Trong khi đó, xuất khẩu hàng dệt may của Trung Quốc tăng 15% về lượng và gần 20% về giá trị trong năm 2007 cho dù một số mặt hàng dệt may của Trung Quốc vẫn bị áp dụng những hạn chế về hạn ngạch. Hàng Trung Quốc chiếm tới 34,3% tổng nhập khẩu hàng dệt may của EU và 83,9% quần áo bán tại Nhật Bản mang nhãn Trung Quốc.
Trong 6 tháng đầu năm nay, xuất khẩu hàng dệt may của Hồng Kông giảm trên 8% so với cùng kỳ năm 2007 khi nhiều hoạt động sản xuất đã chuyển về đại lục Trung Quốc.
Bên cạnh đó xuất khẩu dệt may của Thổ Nhĩ Kỳ trong năm 2007 cũng giảm trên 8%.
Việt Nam đã đạt tốc độ tăng trưởng xuất khẩu ấn tượng sang Mỹ với 31% về lượng và 34% về giá trị trong năm 2007.
Trong khi đó xuất khẩu của Mexico giảm trên 7% khi các nhà nhập khẩu Mỹ và EU chuyển đơn hàng sang các quốc gia có chi phí thấp hơn và chất kượng coa hơn tại châu Á như Việt Nam và Trung Quốc.
Sản xuất của EU cũng tăng nhẹ trong năm 2007 với 0,4% nhưng xuất khẩu giảm 3,5% và nhập khẩu tăng 5,4%.
Giá trị xuất khẩu của Nhật Bản năm 2007 tăng 5,3% nhờ giá xuất khẩu sang EU, Hàn Quốc, Mỹ và Việt Nam tăng.
Những vấn đề về cung ứng
Cung ứng đã trở thành chiến lược quyết định cho sự sống còn và tăng trưởng của các công ty trong thị trường dệt may.
Những tiến bộ về công nghệ sẽ giúp các kế hoạch sản xuất được thiết lập chặt chẽ và các chuỗi cung ứng vốn bao gồm nhiều địa điểm và nhiều nhà cung cấp được quản lý dễ dàng …vv.
Người mua thường mở văn phòng thu mua gần các địa điểm cung cấp hàng để có thể kiểm soát chuỗi cung ứng.
Những thách thức về cung ứng hiện nay gồm các chuỗi cung ứng quy mô rộng toàn cầu, chi phí giao nhận vận tải cao và nhiều khoản chi phí tăng ngoài tầm kiểm soát của các nhà sản xuất, tỷ giá dao động và các nhà bán lẻ tìm nguồn cung ứng trực tiếp từ các nhà sản xuất.
Trách nhiệm xã hội doanh nghiệp (CSR) cũng là vấn đề cần xem xét của ngành công nghiệp này trong tương lai khi người mua ngày càng quan tâm tới những vi phạm về lao động và bóc lột sức lao động phụ nữ hoặc trẻ em.
Ngoài ra, những vấn đề về môi trường cùng với sức ép từ các nhóm người tiêu dùng cũng khiến các công ty dệt may phải cân nhắc các hoạt động của mình để phù hợp với những quy định về bảo vệ môi trường.
Một thách thức nữa mà các công ty dệt may phải đối mặt là phải tìm ra phương pháp chi phí đạt hiệu quả tối ưu để có chất lượng tốt. Chất lượng không đảm bảo là lý do khiến 70% khách hàng từ chối không mua hàng.

Nguồn: Internet