Trong thời gian qua, đã có 700.000 lao động trong ngành dệt may Ấn Độ mất việc làm, và dự kiến sẽ có thêm 500.000 việc làm nữa bị sa thải trong 5 tháng tới.
 Ngành dệt may của quốc gia Nam Á này thuê gần 38 triệu lao động và chiếm 8% GDP của cả nước. Trong tài khoá 2007/08, ngành này có giá trị 22 tỷ USD, nhưng ngay cả trước khi nhu cầu tại Mỹ và châu Âu bắt đầu giảm sút, đồng nội tệ (rupee) tăng giá và giá nguyên vật liệu thô leo thang đã khiến ngành xuất khẩu dệt may của Ấn Độ dễ bị tổn thương hơn so với các ngành khác.
Xuất khẩu dệt may của nước này dự tính chỉ đạt 8,78 tỷ USD, giảm 24% so với mục tiêu đề ra cho năm 2008-2009. Năm 2007, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Ấn Độ đạt 9,69 tỷ USD.
Sang năm 2009, Ngành dệt may Ấn Độ đối mặt với tình trạng thua lỗ trên 12 tỷ Rs/tháng do phải cắt giảm sản lượng vì cả thị trường thế giới và thị trường trong nước vẫn tiếp tục đi xuống, chi phí sản xuất thiếu cạnh tranh, chi phí đầu vào tăng cao, giá điện cao. Kể từ tháng 9 năm 2008, sản lượng cắt giảm trung bình khoảng 15% khiến nhiều nhà máy phải đóng cửa hoặc cắt giảm sản lượng hoặc sa thải nhân công.
Tình hình này có thể tiếp diễn trong 6 tháng đầu năm 2009 khi hiện chính phủ  Ấn Độ vẫn chưa có biện pháp đáng tin cậy nào cho năm tài chính này (tính đến hết tháng 3 năm 2009).
Gói kích cầu kinh tế thứ 2 đã hứa hẹn tập trung cho ngành dệt may, được chính phủ thừa nhận đang lâm vào tình thế tồi tệ nhất. Tuy nhiên, cho đến nay ngành dệt may đã hoàn toàn bị loại ra khỏi kế hoạch của gói kích cầu này.
Nhu cầu tại Mỹ và EU giảm khiến giá giảm trước sự cạnh tranh khốc liệt từ các quốc gia có mức hoàn thuế xuất khẩu và những ưu đãi nhiều hơn như Trung Quốc, Việt Nam, Campuchia và Bangladesh sẽ tiếp tục đánh bại các nhà xuất khẩu Ấn Độ.
 
 

Nguồn: Vinanet