Đây là mức tăng khá mạnh trong bối cảnh khó khăn chung về ngành xuất khẩu hàng hoá của nước ta trước cơn suy thoái kinh tế toàn cầu.
Trong tháng 9, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may sang hầu hết các thị trường lớn đều giảm như sang Mỹ giảm 9,8% xuống còn 469,3 triệu USD, sang EU giảm 20,3% xuống còn 126,3 triệu USD, sang Nhật Bản giảm 8,7% xuống còn 74,85 triệu USD… Một số thị trường có kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may giảm mạnh là Bỉ giảm 40,7%, Italy giảm 40,6%, Nga giảm 63,8%, Thổ Nhĩ Kỳ giảm 49,8%… Đáng chú ý là xuất khẩu hàng dệt may sang Đài Loan trong tháng 9 lại tăng mạnh, tăng 13,8% so với tháng 8 và tăng 107,3% so cùng kỳ năm ngoái. Ngoài ra, kim ngạch xuất khẩu dệt may sang Ucraina cũng tăng 74,6% so với tháng 8 và tăng 151,6% so cùng kỳ năm ngoái.
So với tháng 9/2007, xuất khẩu hàng dệt may đạt khá với kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường tăng mạnh như sang Mỹ tăng 23,5%, sang Đức tăng 20,6%, sang Tây Ban Nha tăng 136,2%, sang Canada tăng 64%, sang Hàn Quốc tăng 90%… Như vậy, với những khó khăn trong xuất khẩu sang các thị trường truyền thống, các doanh nghiệp đã biết chuyển hướng sang các thị trường mới nhưng đầy tiềm năng.
9 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam sang các thị trường đạt 6,842 tỉ USD, tăng 20,2% so cùng kỳ năm 2007 và đạt 72% kế hoạch năm. Với tiến độ xuất khẩu như vậy, khả năng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may trong năm 2008 khó có thể đạt được mục tiêu đã đề ra. Nguyên nhân do nền kinh tế thế giới (nhất là Mỹ) đang suy thoái sâu ảnh hưởng trực tiếp đến ngành xuất khẩu của Việt Nam. Trong mấy ngày gần đây, giá dầu thô, giá vàng, giá nông lâm sản… liên tục sụt giảm. Nhu cầu tiêu dùng của người dân cũng đã giảm mạnh do phải cắt giảm chi tiêu trong bối cảnh khó khăn chung của kinh tế toàn cầu. Dự báo, ngành xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam nói chung và ngành dệt may xuất khẩu nói riêng sẽ gặp khó khăn hơn.
Ngành dệt may Việt Nam có nhiều cơ hội nhưng phải cạnh tranh gay gắt với các nước châu Á: ngành dệt may Việt Nam đang hướng tới mục tiêu xuất khẩu 9,5 tỉ USD trong năm 2008 và 25 tỉ USD vào năm 2020. Đây là mục tiêu rất tham vọng tuy nhiên cũng rất khả thi. Hiện nay, ngành dệt may Việt Nam được đánh giá  còn nhiều tiềm năng phát triển mạnh trong 10-20 năm tới. Tốc độ phát triển sẽ phụ thuộc lớn của doanh nghiệp và cơ sở hạ tầng quốc gia.
Hiện nay, làn sóng chuyển dịch đầu tư và thương mại dệt may từ các nước khu vực Trung Mỹ, Nam Mỹ, Nam Phi, Đông, Tây và Nam Âu sang các nước châu Á là khá rõ nét. Việt Nam là nước có lợi thế trong việc thu hút đầu tư dệt may. Tuy nhiên, tình hình cạnh tranh giữa các nước châu Á cũng rất khốc liệt. Thêm vào đó, các rào cản kỹ thuật thương mại ngày càng nhiều đang là thách thức lớn cho dệt may Việt Nam.

Nguồn: Vinanet