Như vậy, muốn đạt được chỉ tiêu đề ra, các doanh nghiệp (DN) dệt may phải xuất khẩu hơn 5,3 tỉ USD nữa. “Một con số không dễ thực hiện nhưng không có nghĩa là chúng ta bó tay”. Chủ tịch Hiệp hội Dệt may VN Lê Quốc Ân nhận xét.
Dù chỉ đạt 4,19 tỉ USD trong 6 tháng đầu năm, nhưng đây là mức tăng trưởng khoảng 20% so với cùng kỳ năm trước. Chưa kể, trong khi cả thế giới phải đối mặt với những biến động kinh tế, nhiều ngành sản xuất trì trệ thì ngành dệt may trong nước vẫn tăng trưởng. Cũng theo báo cáo sơ kết 6 tháng của Tập đoàn Dệt may VN vào ngày 7-7, chỉ có 4/60 DN lỗ hoặc chưa có lãi, số DN còn lại đều có lợi nhuận với doanh thu đạt 119 tỉ đồng. “Đơn hàng xuất khẩu thì chúng ta không thiếu, thậm chí có rất nhiều” – ông Ân khẳng định. Song, đặc điểm của ngành dệt may phải giao hàng xuất khẩu đúng thời hạn, nếu không DN sẽ bị phạt nặng và có nguy cơ bị hủy hợp đồng. Vì vậy, ngoài nỗ lực của DN, còn cần sự điều hành của Nhà nước liên quan đến hai vấn đề: Một là hỗ trợ quan hệ với ngân hàng, hai là tránh xảy ra đình công.
Giới chuyên môn trong ngành dệt may cũng lưu ý, từ nay đến cuối năm, các DN nên chuẩn bị đối phó với kịch bản giá dầu thế giới tăng cao sẽ kéo theo giá sản phẩm tăng, việc tiêu thụ các sản phẩm dệt may cũng sẽ chậm lại. Vì vậy, DN phải có những sản phẩm khác biệt, để trong giai đoạn cạnh tranh mà sản phẩm càng ít bị cạnh tranh càng tốt. Điều này dễ nhận thấy ở chỗ 4 DN không đạt lợi nhuận trong 6 tháng đầu năm do thiếu những sản phẩm khác biệt. Mặt khác, cần đưa thế mạnh của DN VN là xuất khẩu hàng giá cao, né cạnh tranh với hàng giá rẻ của Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia... Chẳng hạn, sản phẩm sợi cao cấp của Công ty Dệt Phú Bài, vải 100% polyester chống nhăn nhưng vẫn hút mồ hôi của Công ty Lý Minh, Dệt may Thành Công... vẫn xuất khẩu đều đều sang nhiều nước.
Đừng xem nhẹ thị trường châu Á
Theo thống kê của thế giới, các sản phẩm dệt may của VN vào Mỹ đang bán với giá bình quân 3,8 USD/m2 (giá bình quân của các nước bán vào Mỹ là 1,7 USD/m2), như vậy sản phẩm dệt may của VN không lo về quy định chống bán phá giá. Tuy nhiên, cái khó hiện nay của ngành dệt may trong nước là phụ thuộc quá nhiều vào một vài thị trường như Mỹ (chiếm 55% tổng kim ngạch xuất khẩu), EU (17%), Nhật (8%)... nên dễ bị tác động khi các thị trường trên gặp sự cố. Thứ trưởng Thường trực Bộ Công Thương, cho biết: Thị trường Mỹ tăng trưởng chậm, sức mua sụt giảm... đã ảnh hưởng trực tiếp đến xuất khẩu dệt may. Để đạt mục tiêu tăng trưởng, các DN nên đa dạng hóa thị trường. Điều đáng mừng là một số đơn vị đã chủ động tìm kiếm thị trường mới. Theo đó, Dệt Thái Tuấn, Dệt Phước Thịnh, Dệt Phước Long đã xuất khẩu được vải gấm sang Trung Đông; lô hàng dệt may của May Phương Đông lần đầu tiên có mặt ở Nam Mỹ, CH Czech; sản phẩm thời trang VN đã được xuất khẩu chính ngạch qua Algeria; một số DN trong nước đã hoàn tất quá trình chinh phục thêm hai quốc gia thuộc EU khi vừa giới thiệu những lô hàng đầu tiên vào Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha...
Hiệp hội Dệt may VN cũng lưu ý: Các DN trong nước không nên xem nhẹ thị trường châu Á, nhất là những nước, vùng lãnh thổ phát triển như Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan.
 

Nguồn: Vinanet