Số liệu thống kê cho thấy tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Campuchia trong quý I/08 chỉ đạt khoảng 1 tỷ USD, giảm mạnh so với mức 1,99 tỷ USD cùng kỳ năm 2007, do chi phí sản xuất tăng cao.
Ông Cheat Khemara, quan chức Hiệp hội các nhà máy sản xuất hàng may mặc Campuchia (GMAC), lo ngại nếu lĩnh vực sản xuất hàng may mặc của nước này không đạt được sự ổn định và phát triển, thì các nhà đầu tư có thể sẽ chuyển hướng sang thị trường khác. Trong thời gian qua, các nhà máy dệt may tại Campuchia đã phải chịu thêm các khoản chi phí sản xuất do giá xăng dầu tăng cao hay tăng lương cho các công nhân.
Theo các chuyên gia kinh tế, cùng với vấn đề người lao động Campuchia chưa quen với tác phong làm việc công nghiệp và số ngày nghỉ lễ khá nhiều, việc tồn tại nhiều tổ chức công đoàn khiến các nhà máy tại Campuchia luôn phải đối phó với các cuộc đình công của người lao động, một trong những yếu tố được coi là dẫn đến sự sụt giảm sản lượng và tính cạnh tranh của hàng may mặc của nước này trên thị trường thế giới.
Tuy nhiên, ông Thon Virak, quan chức của Bộ Thương mại Campuchia, vẫn bày tỏ sự lạc quan và cho rằng lĩnh vực xuất khẩu hàng may mặc tuy hơi chậm song vẫn không có gì đáng lo ngại. Ngoài ra, ông Thon Virak hy vọng sự đa dạng hóa sẽ là chìa khóa cho sự tồn tại và phát triển của lĩnh vực sản xuất hàng may mặc tại Campuchia. Đứng trước sự cạnh tranh từ các nước láng giềng và Trung Quốc, các doanh nghiệp dệt may Campuchia đã mở rộng thị trường xuất khẩu sang Canada, Liên minh châu Âu (EU), bên cạnh việc củng cố thị trường truyền thống là Mỹ.
Trong những năm qua, ngành hàng may mặc tại Campuchia là một trong những lĩnh vực trụ cột của nền kinh tế nước này. Năm 2007, xuất khẩu hàng may mặc của Campuchia đạt doanh thu gần 3 tỷ USD, chiếm hơn 90% tổng kim ngạch xuất khẩu của nước này.

Nguồn: Internet