Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay ngành sản xuất sản phẩm nhựa đang phải gồng mình hứng chịu nhiều đợt tăng giá nguyên liệu, khiến cho các doanh nghiệp sản xuất nhựa chịu rất nhiều ảnh hưởng, sản xuất cầm chừng, thậm chí phải chấp nhận lỗ vì không dám tăng giá bán sản phẩm. Không những vậy, nguồn nguyên liệu (hạt nhựa các loại được sản xuất từ những chế phẩm của dầu) hiện đã tăng thêm gần 50% so với đầu năm, đã kéo theo giá hạt nhựa tăng cao. Trong khi đó, ngành nhựa Việt Nam phụ thuộc đến 90% nguồn nguyên liệu nhập khẩu và sự biến động không ngừng về giá nguyên liệu.
Trong khi giá nguyên liệu và chi phí sản xuất đầu vào tăng gấp đôi thì giá thành sản phẩm nhựa tăng lên không đáng kể, chỉ dao động trong khoảng 10% từ đầu năm đến nay. Nếu như giá một tấn bột PVC năm 2006 là 830 USD, đến năm 2007 tăng lên 960 USD thì hiện nay đã lên đến 1.020 USD. Cùng với việc giá nguyên liệu tăng cao là sự cạnh tranh về mặt hàng nhựa ngày càng quyết liệt cả trên thị trường trong nước lẫn thị trường thế giới. Với thế mạnh về vốn, kỹ thuật, kinh nghiệm và thị trường tiêu thụ, các nhà đầu tư nước ngoài xây dựng ngày càng nhiều nhà máy nhựa tại Việt Nam. Để tháo gỡ khó khăn trước mắt cho ngành nhựa, Hiệp hội nhựa Việt Nam (VPA) đang kiến nghị Chính phủ có những chính sách cụ thể hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất trong nước. Cùng với đó, kêu gọi các doanh nghiệp tìm cáchgiảm thiểu chi phí sản xuất để tạo ra giá thành cạnh tranh hơn. Ngoài ra, VPA cũng đang có kiến nghị lên các bộ, ngành liên quan cho phép ngành nhựa được nhập khẩu phế liệu nhựa sạch để tái chế ra nguyên liệu hạt nhựa nhằm giảm giá thành hạt nhựa trong nước.
Tuy có những khó khăn về sản xuất và nguyên liệu như vậy nhưng xuất khẩu sản phẩm nhựa vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng khá trong năm nay. Theo số liệu thống kê chính thức của tổng cục hải quan Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm nhựa của nước ta trong tháng 7/08 đạt 77,4 triệu USD, giảm 7,1% so tháng trước nhưng tăng 24,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính chung 7 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất khẩu sản phẩm nhựa của nước ta sang các thị trường đạt 510,28 triệu USD, tăng 35,5% so với cùng kỳ năm 2007.
Trong tháng 7, xuất khẩu sản phẩm nhựa sang thị trường Nhật Bản vẫn duy trì kim ngạch đạt cao nhất, gần 15,25 triệu USD, giảm 5,4% so tháng trước và tăng 54,6% so cùng kỳ năm ngoái. Tính chung 7 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm nhựa của nước ta sang thị trường này đạt 105,4 triệu USD, tăng 51,3% so với cùng kỳ năm 2008 và chiếm 27% tổng kim ngạch. Dự báo, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm nhựa sang thị trường này tiếp tục tăng mạnh trong những tháng tới.
Tiếp đến là Mỹ, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này đạt 13,47 triệu USD, giảm 6,6% so tháng trước và tăng 3,2% so với cùng kỳ năm 2007, nâng tổng kim ngạch xuất khẩu sản phẩm nhựa của nước ta sang thị trường này 7 tháng đầu năm đạt 87,22 triệu USD, tăng 30,5% so cùng kỳ năm ngoái. Xuất khẩu nhựa sang thị trường Mỹ đang chững lại do khó khăn của nền kinh tế ảnh hưởng đến nhập khẩu và tiêu thụ hàng hoá trong nước. Hà Lan vươn lên đứng thứ 3 về nhập khẩu sản  phẩm nhựa của nước ta với kim ngạch trong tháng 7 đạt 5,28 triệu USD, tăng 80% so tháng 7/2007 và đạt 30,8 triệu USD trong 7 tháng đầu năm, tăng 73,9% so cùng kỳ năm 2007.
Xuất khẩu sản phẩm nhựa của nước ta sang khối EU cũng đạt mức tăng trưởng cao với trên 21,23 triệu USD trong tháng 7, tăng 27,8% so cùng kỳ năm ngoái. Tính chung 7 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm nhựa của nước ta sang khối thị trường này đạt 138 triệu USD, tăng 38,9% so cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu sang một số thị trường đạt tốc độ ấn tượng như sang Hungary tăng 376,7%, sang Đan Mạch tăng 125%, sang CH Séc tăng 384,2%, sang Hy Lạp tăng 224,8%... Ngoài ra, xuất khẩu sản phẩm nhựa sang một số thị trường khác cũng đạt tốc độ tăng trưởng cao như sang Indonesia, Hồng Kông, Na Uy, Brazil, Extônia...
Như vậy, các doanh nghiệp xuất khẩu ngày càng mở rộng thị trường sang những thị trường châu Mỹ, châu Phi và đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường truyền thống. Dự báo, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm nhựa trong những tháng cuối năm sẽ tiếp tục tăng mạnh dù khó khăn về nguồn nguyên liệu cũng như nền kinh tế thế giới hiện tại.
(TTTMVN)

Nguồn: Vinanet