Theo Bộ Công Thương, năm 2007 xuất khẩu mặt hàng này đạt 750 triệu USD, là một trong những mặt hàng có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu nhanh nhất, với thị trường xuất khẩu rộng lớn. Việt Nam có khả năng thâm nhập thị trường tương đối tốt đối với mặt hàng nhựa, được hưởng mức thuế thấp hoặc được đối xử ngang bằng các nước xuất khẩu khác ở hầu hết các thị trường.
Sản phẩm nhựa của Việt Nam được đánh giá có khả năng cạnh tranh cao, bởi công nghệ sản xuất đã tiếp cận với công nghệ hiện đại của thế giới và được thị trường chấp nhận.
Hiện nhu cầu mặt hàng này trên thị trường thế giới rất lớn, với mức tăng trưởng nhập khẩu bình quân trên 7%/năm. Trong đó, các sản phẩm nhựa đang được 3 thị trường tiêu thụ mạnh là Mỹ, EU và Nhật Bản. Chỉ riêng mặt hàng bao bì nhựa, mỗi năm EU nhập khẩu hơn 500.000 tấn, Nhật Bản nhập khẩu 480.000 tấn; trong khi thị phần các mặt hàng này của Việt Nam chỉ chiếm chưa đến 1% ở Mỹ, gần 3% ở Nhật Bản và khoảng 5% ở EU.
Để đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm nhựa, các doanh nghiệp nhựa Việt Nam cần đẩy mạnh sản xuất và hiện đại hoá dây chuyền thiết bị công nghệ để giảm chi phí sản xuất, hướng đến xuất khẩu sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Bên cạnh việc giữ vững các thị trường xuất khẩu hiện tại, các doanh nghiệp nhựa nên tiếp cận và mở rộng thị trường các nước thành viên mới của EU như Séc, Extônia, Hunggari, Ba Lan và các nước châu Phi, Trung Đông.
Ngoài ra, các doanh nghiệp cần nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm cũng như đáp ứng những đơn hàng lớn, mặt hàng nhựa Việt Nam hoàn toàn có khả năng xuất khẩu với quy mô lớn.