Trước hết là yếu tố nhu cầu, thị trường bất động sản Việt Nam hiện nay ghi nhận nhu cầu rất lớn của người dân ở các sản phẩm nhà giá rẻ, quy mô vừa và nhỏ. Tại các đô thị như Hà Nội, TP. HCM, nhu cầu của người dân với các căn nhà có giá dưới 1 tỷ đồng rất cao.
Theo nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam - ông Nguyễn Trần Nam -số lượng người có thu nhập cao, đủ khả năng mua căn hộ cao cấp chỉ chiếm 20%, số 80% còn lại là những người có thu nhập vừa và thấp. Do đó, nhu cầu căn hộ giá rẻ là rất lớn.
Theo dự báo từ Bộ Xây dựng, từ năm 2017, khoảng 70% nhu cầu thị trường tập trung vào phân khúc nhà ở có giá trung bình trở xuống. Nhưng thị trường mới chỉ đáp ứng được 30%, phân khúc này vẫn còn trống tới 40%.
Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM Lê Hoàng Châu nhận định, trong 10 - 15 năm tới, các siêu đô thị như TP.HCM và Hà Nội vẫn khát nhà giá vừa phải. Ông Châu đưa ra dẫn chứng là TP.HCM ước tính có khoảng 3 triệu dân nhập cư mỗi năm, trong đó 50% dịch chuyển hẳn về đô thị để sinh sống theo mối quan hệ gia đình.
Tuy nhiên hiện các doanh nghiệp phát triển nhà bình dân của Nhà nước chỉ đáp ứng được 15% nguồn cung nhà ở cho họ, còn lại người dân phải tự lo và những đối tượng này rất cần nhà ở thương mại giá khoảng 700 triệu đến 1 tỷ đồng/căn. Tức là nguồn cung hàng trăm nghìn căn nhà giá phải chăng chưa thấm vào đâu so với nhu cầu lên đến hàng triệu căn.
Liên quan đến vấn đề này, ông Stephen Wyatt - TGĐ Jones Lang LaSalle (JLL) Việt Nam chỉ ra diễn biến thực tế của thị trường nhà giá bình dân tại Việt Nam. Theo ông, nhà ở bình dân tại TP.HCM và Hà Nội từ lâu không được các doanh nghiệp bất động sản để mắt tới vì cho rằng lợi nhuận biên của phân khúc này thấp hơn nhiều so với nhà ở trung cao cấp.
Điều đó dẫn đến tình trạng thiếu hụt nhà ở bình dân chất lượng tốt trong thời gian dài. Ngoài những hạn chế trên, phân khúc nhà giá phải chăng có thể mang lại không ít cơ hội nếu chủ đầu tư sở hữu vị trí đất có kết nối hạ tầng tốt, kiểm soát chi phí ở mức thấp và đưa ra giá bán phù hợp với khả năng chi trả của người mua.
Lãnh đạo JLL đánh giá, phân khúc nhà ở bình dân được ví như "xương sống" của thị trường nhà ở. Cơn khát nhà giá bình dân dự kiến sẽ còn tiếp diễn trong nhiều năm tới do nguồn cung chưa thể đuổi kịp nhu cầu. Việc các "đại gia" tuyên bố làm nhà giá phải chăng quy mô lớn từ năm 2017 trở đi có thể tạo ra bước ngoặt cho thị trường bất động sản.
Yếu tố quan trọng thứ hai khi đầu tư nhà giá bình dân là nguồn cung. Về vấn đề này, báo cáo của Công ty tư vấn bất động sản CBRE Việt Nam nhận định các chủ đầu tư trong nước và các công ty liên doanh đang điều chỉnh dự án sao cho phù hợp với xu hướng thị trường, đáng chú ý là tăng nguồn cung nhà ở bình dân.
Năm 2017 dự kiến sẽ có 43.861 căn hộ dự kiến sẽ được mở bán tại thị trường TP HCM. Xét về cơ cấu sản phẩm được chào bán, sẽ có hơn 13.000 căn hộ thuộc phân khúc cao cấp, 1.627 căn hộ hạng sang, còn lại sẽ là thị phần bình dân và trung cấp với 40% tổng số căn chào bán thuộc phân khúc này.
Nổi bật nhất chắc chắn là dự án Vincity của Tập đoàn Vingroup (Mã CK: VIC) sẽ khởi động vào năm 2017 với khoảng 30.000 căn hộ bình dân giá từ 700 triệu đồng/căn. Đây là dự án bất động sản đại chúng trải dài trên các tỉnh thành cả nước. Theo thông tin đơn vị này đưa ra, giá bán các căn hộ dao động ở mức 13 – 19 triệu đồng/m2 đối với dự án ở khu đô thị, riêng ở các tỉnh thành giá bán có thể chỉ từ 400 triệu đồng/căn.
Tại Hà Nội, Tập đoàn Mường Thanh cũng chia sẻ với báo giới kế hoạch tung ra thị trường 3.000 căn hộ có diện tích từ 50 - 60m2, giá từ 10 triệu đồng/m2.
Ông Trương Anh Tuấn - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tư vấn - Thương mại - Dịch vụ địa ốc Hoàng Quân (Mã CK: HQC) cho biết từ nay đến năm 2019 sẽ cung cấp ra thị trường hơn 34.000 căn hộ để đáp ứng nhu cầu nhà ở hiện đang cấp bách của các gia đình chính sách, công nhân và người có thu nhập thấp.
Bên cạnh đó, hàng loạt chủ đầu tư lớn như Him Lam, Khang Điền, Danh Khôi, Kiến Á, Hưng Thịnh, Nam Long… tiếp tục kế hoạch phát triển thêm dự án nhà ở bình dân, vừa túi tiền giúp thị phần nhà ở bình dân giữ nhiệt.
Theo ông Ngô Quang Phúc, Phó Tổng giám đốc Công ty Him Lam Land, kế hoạch trong năm 2017, công ty sẽ tung ra thị trường khoảng 3.000 căn hộ, trong đó 80% căn hộ thuộc phân khúc có giá trung bình từ 1,5 - 2 tỷ đồng/căn, 20% căn hộ còn lại có mức giá từ 2 - 3 tỷ đồng/căn.
Dự án Moonglingt Boulevard (quận Bình Tân) của chủ đầu tư Hưng Thịnh cũng đã có kế hoạch chào bán sau Tết Nguyên Đán. Được biết, căn hộ sẽ có mức giá từ 999 triệu đồng/căn (diện tích từ 52 – 82m2).
Yếu tố thứ ba là giá bán. Theo nhận định của ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty Lê Thành, nguồn cung phân khúc nhà vừa túi tiền sẽ tăng trong năm 2017 nhưng ít có sự biến động về giá bán mặc dù sức mua và nhu cầu tiếp tục đà tăng trưởng.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Xuân Quang, Tổng giám đốc Công ty Nam Long (Mã CK: NLG) cho hay: “Phân khúc nhà bình dân sẽ có cơ hội phát triển trong các năm tới trước bối cảnh nguồn cung chưa đáp ứng được lực cầu hiện nay. Về giá bán, phân khúc này không có sự biến động mạnh, sức tăng chỉ ở mức từ 5 – 8%/năm so với năm trước đó”.
Ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc bộ phận R&D Công ty bất động sản DKRA cho rằng: “Một khi nhu cầu mua gia tăng, chất lượng dịch vụ các dự án bình dân cải thiện, giá bán phân khúc này sẽ có sự điều chỉnh tất yếu. Tuy nhiên, đây là phân khúc nhà vừa túi tiền nên giá bán sẽ khó có thể biến động mạnh. Sức tăng sẽ chỉ giữ ở mức từ 5-7% so với năm 2016”.
Về yếu tố tín dụng ngân hàng, thông tín đáng chú ý là ngày 25/1 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Chỉ thị 01 về tổ chức thực hiện chính sách tiền tệ và đảm bảo hoạt động ngân hàng an toàn, hiệu quả năm 2017.
Chỉ thị yêu cầu các ngân hàng thương mại (NHTM) hạn chế và kiểm soát chặt chẽ mức độ tập trung tín dụng, hạn mức tín dụng vào lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro nhằm đảm bảo an toàn vốn vay và hiệu quả kinh tế, hạn chế nợ xấu mới phát sinh.
NHTM thường xuyên rà soát, đánh giá việc cho vay đối với các lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro như tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản (BĐS), cho vay có bảo đảm bằng BĐS, tín dụng đối với nhóm khách hàng lớn, tín dụng đối với các dự án BOT, BT giao thông để đưa ra chỉ tiêu quản lý phù hợp, bảo đảm an toàn, hiệu quả trong hoạt động. Đồng thời, hướng tín dụng BĐS vào dự án nhà ở xã hội, các dự án nhà ở thương mại đáp ứng nhu cầu thực của người dân theo chủ trương của Chính phủ.
Theo đánh giá của các chuyên gia, năm 2017, tín dụng bất động sản sẽ được kiểm soát chặt chẽ nhưng với những dự án tốt, việc tiếp cận dòng vốn này sẽ không quá bi quan. Đặc biệt với các dự án nhà ở dành cho người thu nhập thấp, theo đại diện từ phía cơ quan chức năng vẫn có một dòng vốn ưu đãi cho nhóm đối tượng này.
Để thị trường phát triển bền vững, hướng đến nhu cầu thực, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM cho rằng, cần có chính sách tín dụng ổn định dành cho người mua nhà để ở.
Ông Châu cũng nêu kiến nghị về chương trình tín dụng dành cho những người mua nhà đầu tiên, với thời hạn vay 20 năm, có thể không cố định được lãi suất như nhiều nước phát triển nhưng phải có công thức tính. Chẳng hạn lấy lãi suất bình quân của 5 ngân hàng hàng đầu cộng với biên độ phù hợp mỗi năm để điều chỉnh lãi suất, giúp khách hàng yên tâm.
Nguồn: ndh.vn