Ngoài hạn hán, các đợt sương giá mạnh nhất kể từ năm 1994 đã gây thiệt hại tới 495.000 mẫu ruộng cà phê. Ảnh hưởng của thời tiết là rất thảm khốc khiến nhiều chuyên gia nhận định rằng không có hy vọng cứu những cây trồng này, đồng thời họ dự đoán nguồn cung cà phê ở Brazil sẽ xuống thấp nhất kể từ năm 2003.
Nguồn cung sụt giảm nhưng nhu cầu cà phê lại tăng lên khi các nền kinh tế toàn cầu mở cửa trở lại. Cà phê arabica chủ yếu được dùng tại các quán cà phê và nhà hàng, trong khi cà phê robusta thường được sử dụng nhiều trong các sản phẩm cà phê hòa tan.
Bộ Nông nghiệp Mỹ cho biết, tiêu thụ cà phê trên toàn cầu dự kiến sẽ vượt sản lượng. Theo Bộ này, năm 2021 nguồn cung dự kiến đạt 164,8 triệu bao cà phê, trong khi mức tiêu thụ dự kiến đạt 165 triệu bao.
Người tiêu dùng cà phê trên toàn cầu đang tìm kiếm thêm nguồn cung để lấp đầy phần thiếu hụt. Trong bối cảnh sản lượng cà phê Brazil dự báo giảm mạnh và nhu cầu của các nhà chế biến có thể chuyển một phần từ arabica sang robusta, nguồn cung từ Việt Nam lại gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 bùng phát và tình trạng thiếu container trầm trọng.
Vận chuyển một container từ Việt Nam sang Châu Âu hiện nay có chi phí lên tới 10.000 USD, đắt gấp 6 – 7 lần so với một năm trước đây.
Một số nhà xuất khẩu cà phê Việt Nam cho biết các doanh nghiệp và người trồng cà phê Việt Nam không được hưởng lợi nhiều từ việc giá cà phê tăng mạnh gần đây bởi người trồng cà phê đã bán gần hết cà phê, doanh nghiệp hiện muốn mua cũng không còn đáng kể. Mặt khác, chi phí vận chuyển tăng cao đã không khuyến khích các nhà kinh doanh cà phê ký hợp đồng.
Xuất khẩu cà phê Việt Nam trong 7 tháng đầu năm nay ước tính giảm 9,3% so với cùng kỳ năm trước, xuống còn 953.000 tấn, tương đương 15,8 triệu bao loại 60 kg; kim ngạch ước tính giảm 1,7% xuống 1,25 tỷ USD.
Với những khó khăn hiện tại và khả năng tác động của chúng, dự báo giá cà phê trong thời gian tới sẽ còn duy trì cao.

Nguồn: VITIC/Reuters, Wpri, Bloomberg