Theo số liệu của Bộ Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ, chỉ trong 3 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu gạo của Ấn Độ sang Việt Nam đã đạt gần 247 nghìn tấn, trị giá 74,8 triệu USD, tăng đột biến 324.788% về lượng và 55.461% về trị giá so với 76 tấn, trị giá 134,6 triệu USD của cùng kỳ năm 2020.
Đáng chú ý, đây cũng con số xuất khẩu cao nhất từ trước đến nay mà Ấn Độ đã xuất khẩu sang Việt Nam, qua đó đưa Việt Nam trở thành thị trường xuất khẩu gạo lớn 8 của Ấn Độ trong 3 tháng đầu năm nay.
Nếu tính trong giai đoạn từ năm 2019 trở về trước, xuất khẩu gạo của Ấn Độ sang Việt Nam chỉ đạt mức khiêm tốn từ 500 tấn cho đến vài nghìn tấn.
Năm 2020 Việt Nam đã bất ngờ nhập khẩu 46,7 nghìn tấn gạo từ thị trường Ấn Độ, tăng 9.502% so với năm 2019 và xu hướng tăng vẫn tiếp tục diễn trong những tháng đầu năm 2021.
Trong 3 tháng đầu năm nay, gần như toàn bộ các lô hàng gạo xuất khẩu của Ấn Độ sang Việt Nam đều là gạo non-basmati với giá xuất khẩu bình quân chỉ khoảng 303 USD/tấn. Trong khi đó, cùng kỳ năm ngoái Việt Nam chỉ nhập khẩu một lượng nhỏ gạo cao cấp từ thị trường Ấn Độ với giá dao động từ 1.241 – 2.015 USD/tấn.

Gao nha khau tu An Do tang

Nguồn: Bộ Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ. (Biểu đồ: Hoàng Hiệp)
Gạo nhập khẩu từ Ấn Độ vào Việt Nam có xu hướng tăng được nhiều doanh nghiệp lý giải là do theo cam kết của Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN - Ấn Độ (AIFTA).
Việt Nam cam kết xóa bỏ 80% số dòng thuế vào năm cuối lộ trình là năm 2021 (71% số dòng thuế vào 2018, và 9% số dòng thuế vào 2021), 10% số dòng thuế còn lại chỉ cắt giảm vào cuối lộ trình (năm 2024).
Riêng đối với sản phẩm gạo, theo Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của AIFTA, các loại gạo 5% tấm và 100% tấm nhập khẩu từ Ấn Độ được hưởng thuế suất 0%.
Trong khi đó, giá 2 loại gạo này của Ấn Độ hiện chỉ ở mức khoảng 388 USD/tấn và 273 USD/tấn (theo biểu giá gạo được công bố bởi VFA), thấp hơn trên 100 USD/tấn so với gạo cùng loại của Việt Nam đang giao dịch trên sàn thế giới. Đây có thể là nguyên nhân gạo Ấn Độ nhập khẩu về Việt Nam có xu hướng tăng lên trong thời gian qua.
Trao đổi với người viết ông Phan Văn Có, Giám đốc Marketing Công ty TNHH VRICE, cho biết thời gian qua do tình hình dịch bênh căng thẳng, các nước như Indonesia, Malaysia,..không nhận hàng từ Ấn Độ. Điều này giá giá gạo Ấn Độ càng rẻ, thu hút các doanh nghiệp Việt Nam.
Ông Có cho biết lần nhập hàng này không chỉ là gạo tấm dùng để sản xuất thức ăn chăn nuôi, bún, phở mà còn có cả gạo trắng dùng trong các bữa ăn trong nước và tái xuất.
"Giá gạo trắng Ấn Độ thường rẻ hơn gạo trong nước khoảng 70 USD/tấn. Đây là mức chênh lệch khá lớn", ông Có cho biết. Tuy nhiên, cũng có những ý kiến quan ngại rằng nếu không được kiểm soát chặt, thậm chí có thể xảy ra tình trạng giả mạo xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu với giá cao.
Mới đây Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 - Cục Hải quan TP HCM đã tạm giữ hàng chục container gạo nhập khẩu từ Ấn Độ nghi vấn gian lận xuất xứ Việt Nam của một doanh nghiệp tại Hà Nội (đăng ký làm thủ tục nhập khẩu qua cảng Cát Lái).
Đáng nói là dù tờ khai hải quan của lô hàng này có xuất xứ Ấn Độ nhưng trên bao bì, nhãn mác thể hiện xuất xứ hàng hóa tại Việt Nam.
Trước đó, vào tháng 3/2021, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 đã kiểm tra phát hiện có dấu hiệu gian lận xuất xứ từ lô hàng gạo xuất khẩu thuộc tờ khai số 3038... Theo khai báo của doanh nghiệp này, lô gạo xuất khẩu có xuất xứ Việt Nam nhưng qua kiểm tra phát hiện có dấu hiệu gian lận xuất xứ.
Trước tình trạng trên, để bảo vệ ngành lúa gạo trong nước cũng như tránh tình trạng gạo xuất khẩu bị ảnh hưởng, nhiều ý kiến cho rằng cần có cơ chế giám sát đối với gạo nhập khẩu để tránh tình trạng gian lận về xuất xứ làm ảnh hưởng tới uy tín của gạo Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Ngoài ra, theo một số doanh nghiệp gạo Ấn Độ nhập khẩu nhiều vào Việt Nam do không tiêu thụ được khi không thể xuất khẩu vào các thị trường khác.
Ấn Độ đang chiếm lĩnh thị trường gạo giá rẻ
Với lợi thế cạnh tranh về giá, xuất khẩu gạo của Ấn Độ trong thời gian qua đã liên tục tăng cao.
Số liệu từ Bộ Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ cho thấy, sau khi đạt mức cao kỷ lục 14,7 triệu tấn trong năm 2020, xuất khẩu gạo của Ấn Độ trong 3 tháng đầu năm 2021 tiếp tục tăng mạnh lên mức 6,1 triệu tấn, trị giá 2,8 tỷ USD, tăng 98,3% về lượng và tăng 42,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
Trong đó, gạo non basmati chiếm 80% tổng khối lượng gạo xuất khẩu của Ấn Độ với 4,9 triệu tấn, tăng 230,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngược lại, lượng gạo basmati xuất khẩu của nước này giảm 22,4% xuống còn 1,25 triệu tấn.
Có thể nói Ấn Độ hiện nay đang chiếm lĩnh phân khúc gạo trắng cấp thấp trên thị trường quốc tế. Trong đó, nước này đã xuất khẩu gần 900 nghìn tấn gạo sang Bangladesh trong 3 tháng đầu năm 2021, tăng 53.100% so với cùng kỳ năm 2020.
Bangladesh vốn là nước sản xuất gạo lớn thứ 3 thế giới, đã nổi lên trở thành một nước nhập khẩu lớn do lũ lụt liên tiếp trong năm 2020 phá hoại mùa màng và đẩy giá gạo nội địa liên tục lập những kỷ lục mới.
Cũng trong 3 tháng đầu năm nay, lượng gạo của Ấn Độ xuất khẩu sang một số thị trường khác cũng tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái như: Senegal tăng 174,9%, Nepal tăng 91,8%, Benin tăng 317,5%...Ngoài Việt Nam, một số nước châu Á khác cũng đang đẩy mạnh lượng gạo nhập khẩu từ Ấn Độ như Trung Quốc tăng 472.897%, Malaysia tăng 286,1%...
Đáng chú ý, 3 tháng đầu năm 2021, giá xuất khẩu gạo của Ấn Độ sang hầu hết các thị trường đều ở mức thấp và giảm so với cùng kỳ năm ngoái. Cụ thể, giá xuất khẩu gạo bình quân của Ấn Độ sang Bangladesh đạt 376 USD/tấn, Senegal đạt 287 USD/tấn, Nepal đạt 304 USD/tấn, Trung Quốc là 314 USD/tấn…
Trên thị trường thế giới, tính đến cuối tháng 5/2021, giá gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ đạt 382 - 388 USD/tấn, trong khi giá gạo trắng 5% tấm của Tại Thái Lan đạt 457- 485 USD/tấn, còn Việt Nam lên đến 490- 495 USD/tấn với gạo trắng 5% tấm.
Còn theo dự báo của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), xuất khẩu gạo của Ấn Độ trong năm 2021 đạt 15,8 triệu tấn, tăng hơn 1 triệu tấn so với năm 2020 do nguồn cung dồi dào và giá cả cạnh tranh.

Nguồn: Bộ Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ (Tổng hợp: Hoàng Hiệp)
Ông Có cho biết việc một số doanh nghiệp nhập hàng Ấn Độ sau đó giả nhãn mác gạo Việt Nam sẽ khiến một số khách hàng đã từ chối mua hàng từ gạo Việt Nam. Do đó, lượng hàng nhập khẩu từ Ấn Độ có thể giảm trong thời gian tới.

Nguồn: vietnambiz.vn