Những ngày qua giá cà phê liên tục tăng cao, đạt kỷ lục với mức 100.000 đồng/kg, cao hơn gấp đôi so với cách đây khoảng 1 năm, làm cho nhiều DN xuất khẩu ở TP.HCM gặp khó khăn và bị mất khách hàng, còn người trồng cà phê lại hưởng lợi rất ít. Trong khi đó, nhiều DN nước ngoài đã chủ động thu mua một lượng lớn cà phê để trữ và có thể chi phối giá thời điểm này.
Ngăn chặn đầu cơ giá cà phê
Hiện nay, giá cà phê đang tăng mỗi ngày làm cho nhiều DN chế biến cà phê ở TP.HCM gặp rất nhiều khó khăn, vì không chủ động được nguồn nguyên liệu. Giá cà phê liên tục bị đẩy tăng cao chỉ trong vòng vài tháng từ đầu năm đến nay.
Ông Nguyễn Ngọc Luận, nhà sáng lập thương hiệu cà phê nông sản Meet More cho biết, đối với những hợp đồng xuất khẩu đã ký trước cho khách hàng ở Hàn Quốc, DN phải giao hàng với giá lỗ nặng. Còn với đơn hàng mới, DN rất khó đàm phán với khách hàng để tăng giá bán. Nhiều DN đã mất khách hàng vì đối tác chuyển sang mua cà phê ở Ấn Độ với giá thấp hơn. Giá cà phê ở Ấn Độ chỉ khoảng 3.400 USD/ tấn, trong khi đó ở Việt Nam giá hơn 4.300 USD/tấn.
DN này cho rằng, khi Ấn Độ, Brazil vào mùa vụ, thị trường sẽ điều chỉnh lại giá ở mức phù hợp, khi đó giá cà phê ở Việt Nam không thể tiếp tục giữ ở mức cao. Lúc này, khách hàng có thể chuyển sang nhập khẩu cà phê của nước khác với mức giá tốt hơn, nếu như vậy thì cả người trồng và DN chế biến, xuất khẩu đều gặp bất lợi. Trước thực trạng này, ông Luận cho rằng các hiệp hội cà phê, DN và cơ quan chức năng cần ngồi lại với nhau để có giải pháp, ngăn chặn tình trạng đẩy giá cà phê tăng quá cao.
“Chúng ta phải ngồi lại để có giải pháp cho người nông dân và DN đều có lợi, khống chế việc đầu cơ của các doanh nghiệp FDI. Điều quan trọng nhất là phải điều tiết giá cà phê trong nước. Hiện nay, các DN thu mua mạnh ai nấy gom hàng đẩy giá cà phê tăng cao nên không thể để giá cà phê tăng đột biến và không thể kiểm soát”, ông Luận nêu ý kiến.
Cần làm tốt công tác dự báo thị trường
Điều đáng buồn là tuy giá cà phê tăng cao nhưng rất ít nông dân được hưởng lợi, DN chế biến lại gặp khó khăn, bởi DN thường sản xuất tới đâu sẽ mua nguyên liệu tới đó, còn nông dân cũng rất ít trữ cà phê, phần lớn sau mùa vụ là bán để trả tiền vật tư nông nghiệp.
Điều đáng nói là hơn 20 năm qua, giá cà phê chỉ dao động hơn 30.000 đồng/kg, trong khoảng 2 năm nay giá mới tăng lên 40.000 đồng/kg. Đến đầu năm nay, giá cà phê tăng 60.000 đồng/kg nên nông dân phấn khởi bán gần hết, vì lúc này cả người trồng cà phê và doanh nghiệp trong nước đều không có thông tin dự báo về giá.

Giá cà phê liên tục tăng cao lại khiến cả chuỗi cung ứng... lao đao- Ảnh 2.

Giá cà phê tăng cao khiến DN chế biến, xuất khẩu rất khó đàm phán tăng giá bán - Ảnh: Lệ Hằng
Trong khi đó, nhiều DN lớn của Pháp và Ấn Độ tại Việt Nam có thông tin dự báo về thị trường, nên đã thu gom một lượng lớn cà phê ở Việt Nam và giờ họ có khả năng chi phối giá.
Ông Nguyễn Đức Hưng, Tổng giám đốc Napoli Coffee cho biết, DN cũng mất 30% lượng đơn hàng xuất khẩu đợt này do giá cà phê tăng quá cao. Ông Hưng kiến nghị cơ quan chức năng và Hiệp hội cần làm tốt việc dự báo giá thị trường, quy hoạch vùng trồng và hỗ trợ vốn vay để doanh nghiệp đầu tư trồng nguyên liệu.
“Chính quyền địa phương phải tạo ra cơ chế liên kết, trong đó có Sở Giao dịch cà phê, liên kết người trồng cà phê, HTX và DN. Ví dụ 3 DN yếu khi hợp lại với nhau sẽ ngang sức 1 DN mạnh, khi đó mới cạnh tranh với DN nước ngoài”, ông Hưng đề xuất.
Liên kết - đầu tư cho vùng nguyên liệu
Tại vùng nguyên liệu cà phê tỉnh Đắk Lắk, ông Trịnh Đức Minh, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Buôn Mê Thuột cho rằng, để ngành cà phê phát triển bền vững, các DN, nhất là DN lớn cần đầu tư trồng nguyên liệu, vì nhiều DN chế biến, xuất khẩu cà phê lớn của Việt Nam rất ít đầu tư cho vùng trồng nguyên liệu. Trong khi nhiều DN nước ngoài làm rất tốt việc này và họ có hàng chục ngàn ha cà phê ở Đắk Lắk và nhiều nơi khác.

Giá cà phê liên tục tăng cao lại khiến cả chuỗi cung ứng... lao đao- Ảnh 3.

Rất ít nông dân trữ lại cà phê sau khi thu hoạch - Ảnh: Hương Lý
Bên cạnh đó, việc liên kết trong chuỗi cung ứng nguyên cần chặt chẽ thông qua mạng lưới HTX. Hiện nay mối liên kết giữa người trồng và DN chế biến cà phê rất lỏng lẻo nên dễ "bẻ kèo" khi giá tăng cao.
“DN chỉ cần làm việc với HTX đã liên kết ngang với nông dân. Trách nhiệm của nhà nước là kết nối DN với các HTX, còn DN phải tập trung đầu tư vào vùng nguyên liệu, đầu tư nguồn lực tập huấn, đào tạo, kết nối và hỗ trợ HTX dịch vụ đầu vào và đầu ra, đặc biệt là thị trường và các hợp đồng mua bán phải chặt chẽ”, ông Trịnh Đức Minh khuyến nghị.
Giá cà phê tăng cao kỷ lục nhưng rất ít nông dân được hưởng lợi, còn doanh nghiệp chế biến cà phê đang lao đao. Trong khi đó, nhiều DN nước ngoài làm tốt việc này ngay trên sân nhà của Việt Nam và hưởng lợi lớn qua đợt tăng giá cà phê. Đó là điều rất đáng suy ngẫm về công tác dự báo thị trường của các cơ quan chức năng, cũng như thiếu sự liên kết trong chuỗi cung ứng nguyên liệu cũng như việc đầu tư cho vùng nguyên liệu cà phê hiện nay.

Nguồn: Lệ Hằng/VOV