Một nghiên cứu vừa được công bố hôm 27/1 trên tạp chí khoa học Plos One: Các điều kiện trồng cà phê sẽ thay đổi theo hướng bất lợi trong những năm tới, dựa trên các dự báo từ một số mô hình khí hậu toàn cầu. Kết quả từ số liệu nghiên cứu cho thấy, cây cà phê sẽ ít thích nghi ở các vùng sản xuất cà phê trọng điểm hiện nay vào năm 2050 do tác động của biến đổi khí hậu.
Đặc biệt là cà phê arabica, loại nguyên liệu được nhiều gã khổng lồ trong ngành công nghiệp đồ uống lẫy lừng thế giới như Starbucks và các nhà bán cà phê lớn khác đều thừa nhận “là một loại cây trồng khó tính”, đòi hỏi những điều kiện cụ thể để phát triển.
Theo nghiên cứu của Roman Grüter và các cộng sự tại Đại học Khoa học Ứng dụng Zurich (Thụy Sỹ), những khu vực thích hợp nhất để trồng cà phê hiện nay là ở Trung và Nam Mỹ, đặc biệt là Brazil, cũng như Trung và Tây Phi và một số khu vực của Nam và Đông Nam Á.
Báo cáo cho thấy, trong vòng 28 năm tới những tác động của biến đổi khí hậu dự kiến đối với những khu vực này sẽ khiến cây cà phê trở nên kém thích nghi hơn. “Các quốc gia sản xuất cà phê lớn được điều tra bao gồm: Brazil, Việt Nam, Indonesia, Colombia đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi biến đổi khí hậu với sự suy giảm mạnh mẽ về năng suất tại các vựa trồng cà phê truyền thống. Và thủ phạm chính là nền nhiệt độ cao hơn sẽ làm cho cây cà phê khó canh tác hơn”, theo báo cáo.
Nghiên cứu này cũng đánh giá sự thay đổi của mô hình thời tiết, khí hậu sẽ ảnh hưởng như thế nào đến điều kiện trồng trọt đối với hai cây điều và bơ. Theo báo cáo, đối với hai loại cây điều và bơ, nhiệt độ tăng thực sự có thể tạo ra môi trường phát triển mới khả thi ở một số khu vực. Tuy nhiên, cà phê "được chứng minh là dễ bị tổn thương nhất, với các tác động tiêu cực của khí hậu chiếm ưu thế ở tất cả các vùng sản xuất chính.
Các tác giả kết luận rằng, đối với cả ba loại cây trồng, "thích ứng với biến đổi khí hậu là cần thiết ở hầu hết các vùng sản xuất lớn". Điều đó có thể bao gồm việc lai tạo các giống phù hợp hơn với điều kiện mới.

Mô hình canh tác cà phê thông minh ở Việt Nam, với việc cải thiện việc sử dụng phân bón và nước tưới, có thể làm giảm đáng kể tác động của sản xuất cà phê đối với biến đổi khí hậu. Ảnh: IDH

Mô hình canh tác cà phê thông minh ở Việt Nam, với việc cải thiện việc sử dụng phân bón và nước tưới, có thể làm giảm đáng kể tác động của sản xuất cà phê đối với biến đổi khí hậu. Ảnh: IDH
Và trong trường hợp cây cà phê, điều đó cũng có thể đồng nghĩa với việc chuyển đổi từ giống arabica sang robusta, vì giống này có thân cứng hơn, mặc dù chất lượng hạt thường được coi là có thấp hơn so với hạt arabica.
Hiện một số công ty đã chuẩn bị cho các điều kiện thay đổi. Ví dụ, hãng Starbucks đang phân phối các giống cà phê có khả năng chống chịu được biến đổi khí hậu cho nông dân và phối hợp hỗ trợ để bảo vệ các khu rừng có nguy cơ bị đe dọa ở các khu vực trồng cà phê quan trọng.
Các chuyên gia thị trường dự báo, giá cà phê sẽ tăng đột biến do thời tiết xấu. Cụ thể là các đợt hạn hán nghiêm trọng và hiện tượng băng giá bất thường ở Brazil, nhà cung cấp hạt cà phê nguyên liệu lớn nhất thế giới trong thời gian qua, đã thúc đẩy giá cà phê kỳ hạn tăng mạnh.
Giá bán lẻ cà phê của Mỹ đã tăng 6,3% trong năm ngoái, thấp hơn mức lạm phát nói chung. Các công ty cà phê lớn bao gồm Starbucks thu mua cà phê bao tiêu trước với nông dân theo giá đã định nhưng rốt cuộc, việc tăng giá đã ảnh hưởng đến người tiêu dùng. Dự báo nguồn cung thắt chặt hơn sẽ chỉ làm trầm trọng thêm tình hình.
“Biến đổi khí hậu đang trở thành tiêu chuẩn ở các vùng canh tác cà phê trên khắp thế giới, khiến cho người nông dân khó có thể lên kế hoạch trước, ảnh hưởng đến nguồn cung cấp nguyên liệu chế biến và đẩy giá tăng cao”, báo cáo viết.

Nguồn: Kim Long/CNN Business/Nông nghiệp Việt Nam