Việc giảm nhập khẩu dầu hướng dương sẽ buộc Ấn Độ phải tăng mua dầu cọ và dầu đậu tương để bù lại.
Một thoả thuận kéo dài 1 năm cho phép vận chuyển an toàn ngũ cốc của Ukrane thông qua các cảng ở Biển Đen đã hết hạn vào ngày 17/7. Khu vực Biển Đen chịu trách nhiệm cho 60% sản lượng cùng 76% lượng dầu hướng dương xuất khẩu của thế giới.
Ấn Độ thường nhập khẩu khoảng 250.000 tấn dầu hướng dương mỗi tháng, chủ yếu từ Nga, Ukraine, Argentina và Thổ Nhĩ Kỳ.
Rajesh Patel, đối tác quản lý tại GGN Research, một nhà môi giới và kinh doanh dầu ăn cho biết, đầu năm nay, các nhà xuất khẩu ở Biển Đen đã tích cực bán dầu hướng dương với giá cạnh tranh, nhằm giảm lượng hàng tồn kho.
Theo ông Patel, Ấn Độ có thể nhập khẩu khoảng 275.000 tấn dầu hướng dương trong tháng 7 nhưng từ tháng 8/2023, lượng nhập khẩu có thể giảm xuống còn khoảng 200.000 tấn.
Dữ liệu từ Hiệp hội các nhà chiết xuất dung môi Ấn Độ cho thấy, Ukraine chiếm hơn một nửa lượng dầu hướng dương nhập khẩu của Ấn Độ, nhưng Nga là nhà cung cấp lớn nhất của nước này trong năm tiếp thị kết thúc vào ngày 31/10.
Sandeep Bajoria, Giám đốc điều hành của Tập đoàn Sunvin, một công ty tư vấn và môi giới dầu thực vật, cho biết việc bốc dỡ các tàu lớn tại các cảng của Ukraine là không thể nếu không có thỏa thuận ngũ cốc.
Ukraine hiện phụ thuộc vào các quốc gia châu Âu để xuất khẩu ngũ cốc, sau khi Sáng kiến ngũ cốc biển Đen sụp đổ với việc Nga từ chối gia hạn các thỏa thuận liên quan.
Những tháng gần đây, Ukraine đã bán hạt hướng dương cho Romania và Bulgaria, nơi chế biến loại hạt này thành dầu để xuất khẩu sang Ấn Độ.
Sự không chắc chắn trong thị trường dầu hướng dương buộc các nhà máy lọc dầu chuyển sang dầu cọ và dầu đậu tương, những loại dầu sẵn có với giá cạnh tranh hơn.
Ấn Độ nhập khẩu dầu cọ chủ yếu từ Indonesia, Malaysia và Thái Lan, trong khi nguồn dầu đậu nành chủ yếu từ Argentina, Brazil và Mỹ.

Nguồn: Vinanet/VITIC/Reuters