EUDR yêu cầu tất cả các nhà xuất khẩu phải đảm bảo rằng các sản phẩm của họ không có nguồn gốc từ phá rừng hoặc từ các đồn điền được xây dựng bằng cách phát quang các khu vực rừng. Các nhà xuất khẩu sẽ bị phạt nếu vi phạm quy tắc.
Các sản phẩm được quy định trong EUDR bao gồm dầu cọ và các sản phẩm có liên quan, than củi, ca cao, cà phê, đậu nành, thịt bò, gỗ, cao su, giấy và da. Quy định này áp dụng tiêu chuẩn phân loại các quốc gia thành 3 loại dựa trên nguy cơ mất rừng thấp, tiêu chuẩn, và cao.
EUDR được ban hành vào tháng 4/2023 và chính thức có hiệu lực vào ngày 16/5 vừa qua. EU cho các công ty lớn 18 tháng để tuân thủ quy định mới, trong khi thời hạn đối với các doanh nghiệp nhỏ là 24 tháng.
Tại một cuộc họp báo về thúc đẩy quản trị ngành dầu cọ quốc gia, Bộ trưởng Điều phối Hàng hải và Đầu tư Indonesia Luhut Binsar Pandjaitan cho biết, lượng dầu cọ xuất khẩu từ Indonesia sang châu Âu có thể đạt 3,3 triệu tấn mỗi năm. Với việc EU đóng cửa, nước này đang cân nhắc chuyển dần xuất khẩu dầu cọ sang châu Phi.
Bộ Thương mại cho biết giao dịch hàng hoá giữa Indonesia và EU trong năm 2022 lên đến 32,88 tỷ USD. Xuất khẩu của Indonesia sang EU có trị giá 21,4 tỷ USD, trong khi nhập khẩu từ khối châu Âu đạt 11,48 tỷ USD.
Theo Hiệp hội Dầu cọ Indonesia (Gapki), xuất khẩu các sản phẩm dầu cọ của Indonesia sang EU-27 lên tới 3,75 triệu tấn trong 11 tháng đầu năm 2022. Dữ liệu từ Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO) cho thấy, các quốc gia châu Phi đã nhập khẩu gần 8 triệu tấn dầu cọ trong năm 2020.

Nguồn: Nguồn: Vinanet/VITIC/Reuters, Jakartaglobe