Dự kiến đàn bò tăng 0,8%/năm, năng suất sữa trung bình trên mỗi con bò dự kiến tăng 0,7%/năm, và sẽ tăng nhanh tại các nước có sản lượng thấp. Dự báo, Ấn Độ và Pakistan là các nước sản xuất sữa chủ yếu sẽ đóng góp hơn một nửa mức tăng trưởng sản lượng sữa thế giới trong 10 năm tới và sẽ chiếm hơn 30% sản lượng sữa thế giới vào năm 2029. Sản lượng sữa của EU - nước sản xuất lớn thứ hai thế giới dự kiến sẽ tăng trưởng chậm hơn mức trung bình của thế giới do các hạn chế về môi trường và nhu cầu tại thị trường nội địa thấp.
Hầu hết sữa được tiêu thụ dưới dạng các sản phẩm sữa tươi, chưa qua chế biến hoặc chỉ chế biến nhẹ (tức là đã qua tiệt trùng hoặc lên men). Tiêu thụ sản phẩm sữa tươi trên thế giới dự kiến sẽ tăng trong thập kỷ tới do nhu cầu ở Ấn Độ, Pakistan và châu Phi tăng mạnh, do thu nhập và dân số tăng. Mức tiêu thụ bình quân đầu người trên thế giới đối với các sản phẩm sữa tươi được dự báo sẽ tăng 1%/năm trong thập kỷ tới. Ở Châu Âu và Bắc Mỹ, nhu cầu các sản phẩm sữa tươi ổn định, thậm chí giảm, nhưng cơ cấu đã thay đổi trong vài năm gần đây chuyển sang dùng sữa béo. Ngoài ra, tiêu thụ sản phẩm sữa lỏng có nguồn gốc thực vật dự kiến sẽ tăng mạnh ở Đông Á, Châu Âu và Bắc Mỹ, tuy nhiên khối lượng thấp.
Pho mát - sản phẩm từ sữa xếp thứ hai về tiêu thụ (sau các sản phẩm sữa tươi) ở châu Âu và Bắc Mỹ dự kiến sẽ tiếp tục tăng, đây là thành phần đặc biệt trong thực phẩm chế biến. Nhu cầu về sữa bột trong ngành công nghiệp thực phẩm đang tăng nhanh. Ở Châu Phi, sữa bột gầy (SMP) sản xuất tại thị trường nội địa rất ít, trong khi nhu cầu dự kiến sẽ tăng nhanh trong mười năm tới. Dự kiến nhu cầu bơ tăng mạnh nhất ở châu Á.
Kể từ năm 2015, giá bơ đã cao hơn nhiều so với giá sữa bột gầy (SMP) do nhu cầu về sữa béo cao hơn so với các loại sữa bột khác và dự báo vẫn tiếp tục cao trong thập kỷ tới, tuy nhiên dự kiến sự chênh lệch khoảng cách giá sẽ thu hẹp.
Giá sữa bột gầy (SMP) đã phục hồi vào năm 2019 và dự kiến sẽ vẫn ổn định trong giai đoạn từ nay đến năm 2029. Giá bơ đạt đỉnh vào năm 2017 và sau đó giảm, dự báo sẽ tiếp tục giảm nhẹ phù hợp với hầu hết các mặt hàng nông sản khác trong giai đoạn này. Giá sữa béo WMP và pho mát dự kiến sẽ bị ảnh hưởng bởi giá bơ và sữa bột gầy SMP.
Dự báo sản lượng sữa tăng trưởng mạnh ở châu Phi, chủ yếu do tăng đàn, tuy nhiên năng suất thấp, một phần đáng kể là sữa dê và cừu. Trong giai đoạn từ nay đến năm 2029, dự báo có khoảng một phần ba trong tổng số đàn bò trên thế giới là ở Châu Phi và chiếm khoảng 5% sản lượng sữa của thế giới. Dự kiến, gần 30% sản lượng sữa sẽ được chế biến thành các sản phẩm như bơ, pho mát, sữa bột gầy SMP, sữa bột béo WMP hoặc váng sữa. Bơ và pho mát chiếm một tỷ trọng lớn trong tiêu thụ ở châu Âu và Bắc Mỹ. Sữa bột gầy SMP và sữa bột béo WMP chủ yếu xuất khẩu để sản xuất bánh kẹo, sữa bột trẻ em và các sản phẩm bánh mì.
Sản lượng bơ được dự báo sẽ tăng 1,6%/năm, sữa bột gầy SMP tăng1,6%/năm và sữa bột béo WMP tăng 1,7%, sản lượng pho mát được dự báo tăng trưởng chậm hơn, chỉ ở mức 1,2%/năm do tiêu thụ ở Châu Âu và Bắc Mỹ chậm hơn.
 

Nguồn: VITIC/OECD