Thời điểm từ nay đến cuối năm, mặt hàng nông sản chủ lực của tỉnh Gia Lai là cà phê đang bước vào thu hoạch. Mặc dù ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nhưng tình hình sản xuất, tiêu thụ cà phê không gặp nhiều khó khăn. Thậm chí, người dân còn đang phấn khởi khi giá cà phê trên thị trường tăng cao, trong khi thị trường tiêu thụ ổn định.
Không lo thị trường tiêu thụ cà phê
Những ngày qua, các thành viên của HTX sản xuất – thương mại – dịch vụ nông nghiệp và du lịch Ia Mơ Nông (huyện Chư Păh) đang thể hiện rõ niềm vui mừng, phấn khởi khi giá cà phê nhân tăng cao, dao động ở mức 42 ngàn đồng/kg. Nếu giá bán này được duy trì đến khi thu hoạch xong, trừ các khoản chi phí, 1 ha cà phê cũng giúp các thành viên thu về hơn 100 triệu đồng.
Là đơn vị phát triển theo mô hình liên kết sản xuất gắn và tiêu thụ sản phẩm, HTX Ia Mơ Nông hiện có khoảng 369 thành viên, tương đương với 369 ha trồng cà phê. Ngoài ra, HTX còn hỗ trợ cho khoảng hơn 100 ha cà phê của các thành viên không nằm trong liên kết.
Ông Lê Văn Thanh, Giám đốc HTX Ia Mơ Nông cho biết, mùa vụ năm nay, năng suất cà phê của các thành viên ước đạt khoảng 4 tấn nhân/ha. Như vậy, với tổng diện tích gần 500 ha, sản lượng ước đạt gần 2.000 tấn.
“Hàng năm, HTX ký hợp đồng với Công ty TNHH Vĩnh Hiệp để tiêu thụ khoảng 1.000 tấn nhân và 800 tấn cà phê tươi. Như vậy, HTX không còn lo ngại đến vấn đề tiêu thụ mà chỉ tập trung vào sản xuất đảm bảo chất lượng sản phẩm”, ông Thanh nói và cho biết, với giá cà phê nhân tăng 10 ngàn đồng so với cùng kỳ năm ngoái, người dân xem như có mùa vụ thành công.
Cũng theo ông Thanh, để góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, ngoài việc áp dụng sản xuất theo tiêu chuẩn 4C, HTX còn luôn chú trọng đưa các ứng dụng công nghệ cao vào canh tác và sản xuất chế biến, xây dựng thương hiệu cà phê đặc trưng của địa phương.
|
Ông Trịnh Khắc Dương thăm vườn cà phê của các thành viên trong HTX. Ảnh: Tuấn Anh.
|
Cũng phấn khởi khi giá cà phê tăng cao, ông Trịnh Khắc Dương, Giám đốc HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Đak Krong (huyện Đăk Đoa) cho biết, hiện HTX có 185 thành viên liên kết với diện tích 320 ha trồng cà phê. Năm năy giá cà phê tăng cao, dao động khoảng 40 ngàn đồng/kg, trong khi năng suất của các thành viên cũng đạt khoảng 4 tấn nhân/ha. Nếu tính tổng sản lượng cà phê sau khi thu hoạch sẽ đạt khoảng gần 1.300 tấn nhân.
Hiện HTX cũng đang liên kết với Công ty TNHH Vĩnh Hiệp để tiêu thụ sản phẩm cà phê cho người dân. “Công ty Vĩnh Hiệp không hạn chế số lượng tiêu thụ cà phê mà vấn đề quan trọng người dân phải tuần thủ đúng quy trình sản xuất cà phê bền vững theo tiêu chuẩn 4C. Ngoài ra, người dân cũng cần đảm bảo việc thu hoạch đúng thời vụ cũng như cam kết bao tiêu sản phẩm theo đúng quy định”, ông Dương thông tin.
Về phía địa phương, huyện Ia Grai cũng có diện tích trồng cà phê lớn với hơn 17.000 ha. Ông Phan Đình Thắm, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Ia Grai cho biết, cà phê năm nay được mùa, được giá khi năng suất đạt bình quân ước đạt 3,4 tấn nhân/ha, cao hơn niên vụ trước 1-2 tạ/ha. “Với giá khoản hơn 40 ngàn đồng/kg như hiện nay, người trồng cà phê sẽ lợi nhuận 60-70 triệu đồng/ha, ông Thắm cho biết.
Theo Thắm, về thị trường tiêu thụ, huyện đang phối hợp với các doanh nghiệp xuất khẩu lớn như Sơn Huyền Phát, Vĩnh Hiệp hỗ trợ liên kết sản xuất thu mua cho người dân. Ngoài ra, người dân cũng bán qua các đại lý thu mua trong tỉnh, vì vậy vấn đề đầu ra của cà phê trên địa bàn huyện không quá lo lắng.
Kỳ vọng xuất khẩu vượt kế hoạch
Là một trong những đơn vị xuất khẩu cà phê hàng đầu của cả nước, Công ty TNHH Vĩnh Hiệp hiện có vùng trồng cà phê trên 300 ha. Ngoài ra, công ty còn liên kết với nhiều HTX, tổ chức nông dân sản xuất cà phê theo quy trình bền vững 4C. Dù năm nay ảnh hưởng rất nhiều của dịch bệnh nhưng thị trường tiêu thụ cà phê của công ty vẫn rất tốt.
Ông Thái Như Hiệp, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Vĩnh Hiệp cho biết, từ đầu năm đến nay, Công ty đã xuất khẩu sang châu Âu theo hiệp định EVFTA được hơn 100 nghìn tấn cà phê các loại. Riêng những tháng cuối năm, tình hình xuất khẩu của công ty vẫn rất thuận lợi, sản phẩm cà phê đảm bảo đầu ra ổn định với sản lượng khoảng 10 nghìn tấn.
“Không gặp khó khăn về thị trường tiêu thụ nhưng điều chúng tôi lo ngại nhất khi cà phê chuẩn bị bước vào thu hoạch là không tìm được nhân công thu hái cà phê do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Ngoài ra, thấy giá cà phê tăng cao, tình hình ăn trộm cà phê cũng diễn ra khiến chất lượng cà phê không được đảm bảo, qua đó ảnh hưởng đến việc xuất khẩu”, ông Hiệp chia sẻ.
|
Chất lượng cà phê là yếu tố quan trọng để xuất khẩu ổn định. Ảnh: Đ.L.
|
Đánh giá về thị trường xuất khẩu dịp cuối năm, ông Phạm Văn Binh, Giám đốc Sở Công thương Gia Lai cho biết, mặc dù thị trường xuất khẩu có biến động đôi chút bởi dịch bệnh khi chi phí vận tải tăng cao nhưng các doanh nghiệp vẫn chủ động để thích ứng. Đặc biệt, sau khi Công ty Vĩnh Hiệp tài trợ cà phê tại hội nghị APEC năm 2017 cũng như thông qua hiệp định EVFTA, xuất khẩu cà phê của Gia Lai ngày càng ổn định hơn.
Ngoài ra, thông qua các sàn giao dịch thương mại điện tử, các sản phẩm cà phê của Gia Lai cũng được quảng bá rộng rãi hơn đến thị trường các nước, nên vấn đề xuất khẩu không còn quá lo lắng.
Ông Phạm Văn Binh, Giám đốc Sở Công thương Gia Lai: "Theo kế hoạch xuất khẩu nông sản trong năm 2021, tỉnh Gia Lai sẽ đạt khoảng 610 triệu USD. Đến thời điểm này, xuất khẩu nông sản đã đạt được hơn 500 triệu USD. Như vậy còn lại khoảng 100 triệu USD trong những tháng cuối năm hoàn toàn có thể đạt được kế hoạch đề ra. Nhất là thời điểm này mặt hàng nông sản chủ lực cà phê chuẩn bị bước vào thu hoạch với kỳ vọng xuất khẩu từ các doanh nghiệp uy tín của tỉnh như: Công ty TNHH Vĩnh Hiệp, Công ty TNHH xuất nhập khẩu Hoa Trang..."