Diễn biến giá cà phê Tây Nguyên tuần 07/8 – 12/8
Thị trường cà phê thế giới được tiên đoán rằng sản lượng của Brazil niên vụ này sẽ giảm theo chu kỳ, nhưng sản lượng thực tế chắc chắn sẽ còn thấp hơn cả mức dự đoán, nhất là loại chất lượng cao – dùng cho xuất khẩu. Nếu từ nay tới cuối tháng tình hình không được cải thiện thì các khách hàng truyền thống của Brazil có thể phải tìm kiếm nguồn hàng từ những nơi khác.
Xuất khẩu cà phê của nước sản xuất và xuất khẩu lớn nhất thế giới này đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 10 năm vào tháng 7 vừa qua, chỉ đạt 1,51 triệu bao ( loại 60 kg), giảm 8% so với cùng kỳ năm trước, theo số liệu của Hiệp hội xuất khẩu Cecafe.
Cuối tuần, giá cà phê robusta kỳ hạn tháng 1 tăng 38 USD so với phiên trước đó lên ở 2.112 USD/tấn; giá arabica kỳ hạn tháng 9 tăng 1,8 cent so với phiên trước đó chốt tại 1,403 USD/lb.
Giá cà phê arabica trên thị trường thế giới tuần này đã tăng lên mức cao nhất trong vòng 4 tháng rưỡi do lượng cung từ Brazil thấp và lo ngại về chất lượng cà phê của nước này. Như vậy, chỉ trong vòng 6 tuần giá đã tăng 22%. Do sản lượng thấp và giá đang tăng, người trồng cà phê Brazil lưỡng lự không muốn bán ra lúc này với hy vọng giá sẽ còn tăng thêm nữa.
Giá robusta đã tăng mạnh trong năm 2016 và đầu năm 2017 do nguồn cung khan hiếm sau khi cả Việt Nam và Brazil mất mùa nhưng sẽ giảm nhẹ vào cuối năm nay theo các chuyên gia dự báo.
Các chuyên gia cũng dự đoán nguồn cung robusta trên thị trường thế giới sẽ tiếp tục khan hiếm, ít nhất cho tới khi Việt Nam vào mùa thu hoạch – từ giữa tháng 11 năm nay tới cuối tháng 1 năm sau. Sản lượng cà phê của Việt Nam vụ 2017/18 được dự báo sẽ khoảng 28 triệu bao (so với 25,5 triệu bao của năm trước, theo ước tính của Tổ chức Cà phê Thế giới). Sản lượng của Brazil vụ 2018/19 được các chuyên gia dự báo sẽ hồi phục lên 58,5 triệu bao, trong đó sản lượng arabica đạt 43 triệu bao, theo Infonet.