Dầu thực vật
Hợp đồng dầu cọ giao tháng 10/2023 trên sàn Bursa Malaysia đầu phiên giao dịch tăng 58 ringgit, tương đương 1,5% lên 3.930 ringgit (868,12 USD)/tấn, chạm mức thấp nhất trong hơn ba tuần. Giờ nghỉ trưa, hợp đồng này chốt ở 3.931 ringgit (865,86 USD)/tấn.
Trên sàn Chicago, giá dầu đậu tương tăng 0,2%. Trên sàn giao dịch Đại Liên, giá dầu đậu tương tăng 1,91% và giá dầu cọ tăng 2,08%. Giá dầu cọ chịu ảnh hưởng bởi giá dầu có liên quan khi cạnh tranh thị phần trên thị trường dầu thực vật toàn cầu.
Indonesia đã ấn định giá tham chiếu dầu cọ thô (CPO) ở mức 826,48 USD/tấn từ ngày 1-15/8 và giữ nguyên thuế và phí xuất khẩu so với giai đoạn trước.
Giá dầu cọ thô của Malaysia sẽ giao dịch ở mức 3.700 – 4.200 ringgit/tấn trong nửa cuối năm 2023 và sẽ vẫn được hỗ trợ trong dài hạn, theo Hiệp hội Dầu cọ nước này (MPOC).
MPOC cho biết vào năm 2024, rất có khả năng giá sẽ tăng lên trên mức 4.300 ringgit/tấn. Điều này là do nguồn cung dầu hướng dương không ổn định từ khu vực Biển Đen và sản lượng dầu cọ của Malaysia vẫn thấp hơn so với kỳ vọng.
Theo nhà khảo sát hàng hoá AmSpec Agri Malaysia, xuất khẩu các sản phẩm dầu cọ của nước này trong tháng 7/2023 đã tăng 7,8% so với tháng trước. Trong khi dữ liệu từ công ty khảo sát hàng hóa Intertek Testing Services ước tính mức tăng 14% trong cùng kỳ.
Giá dầu tăng 1% lên gần mức cao nhất kể từ tháng 4/2023 sau khi nhà đầu tư đặt cược nguồn cung toàn cầu thắt chặt hơn và tăng trưởng nhu cầu trong nửa cuối năm 2023. Giá dầu tăng cao khiến dầu cọ trở thành một lựa chọn hấp dẫn hơn cho nguyên liệu dầu diesel sinh học.
Đường
Giá đường thô kỳ hạn tháng 10/2023 trên sàn ICE tăng 0,28 cent, tương đương 1,2% lên mức 24,39 US cent/lb. Giá đường trắng giao cùng kỳ hạn trên sàn London tăng 16,4 USD, tương đương 2,4% chốt tại 699,7 USD/tấn.
Trong tháng 7/2023, Brazil đã xuất khẩu 2,98 triệu tấn đường, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Giá dầu thô tăng khuyến khích các nhà máy ép mía tại Brazil ưu tiên lượng mía ép cho chiết suất ethanol. Mía đường là nguyên liệu chính cho hoạt động sản xuất ethanol và đường, nên việc gia tăng tỷ trọng trong chiết xuất ethanol đã gián tiếp khiến sản lượng đường tại Brazil thu hẹp, gây áp lực lên nguồn cung đường ở mức thấp trên toàn cầu.
Trong một cuộc đấu thầu cuối tuần qua, Ai Cập đã mua 150.000 tấn đường thô của Brazil.
Nhu cầu về đường gia tăng sau khi Mỹ mở rộng hạn ngạch nhập khẩu. Theo đó, quốc gia nhập khẩu đường lớn thứ ba thế giới thông báo sẽ tăng hạn ngạch nhập khẩu thuế quan đối với đường mía thô thêm 125.000 tấn.
Mỹ thường nhập khẩu khoảng 1/3 lượng đường mà nước này sử dụng. Theo dự kiến, Mỹ có thể sẽ nhập khẩu 5 triệu tấn đường trong niên vụ 2023/24.

Nguồn: Vinanet/VITIC/Reuters