Philippines không chỉ mua đường, muối và tỏi từ nước ngoài mà còn nhập khẩu một lượng lớn các mặt hàng lương thực khác như gạo, lúa mì, ngô và bã đậu nành. Điều này xảy ra sau khi giá nông sản toàn cầu tăng kỷ lục trong năm nay vì nguồn cung giảm do hạn hán và nắng nóng kéo dài diễn ra trên toàn thế giới cũng như xung đột giữa Nga - Ukraine.  

Lạm phát ở Philippines đã tăng lên gần mức cao nhất kể từ năm 2018, một phần do chi phí vận tải và giá thực phẩm tăng cao. Chi phí nhập khẩu thực phẩm đắt hơn đã góp phần đẩy tăng giá cả. Bên cạnh đó, những yếu tố khác trong nước như các cơn bão, sự đảo ngược chính sách nhập khẩu và nạn đầu cơ tích trữ cũng làm trầm trọng thêm đà tăng lạm phát.

Chính sách lương thực đã trở thành mối lo ngại nhất của người dân Philippines, đến nỗi Tổng thống Ferdinand Marcos Jr. phải đảm nhận thêm vai trò Bộ trưởng Nông nghiệp và đang đề xuất tăng 44% ngân sách cho bộ này.

Theo Moody’s, Philippines là một trong những nước châu Á chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực từ việc giá nông sản biến động mạnh vì chi phí thực phẩm chiếm gần một nửa rổ lạm phát và nước này nhập khẩu một lượng lớn nhu cầu thực phẩm. 

Trong một dấu hiệu rõ ràng về tình trạng thiếu đường, Công ty sản xuất nước giải khát Coca-Cola Beverage Philippines vào tháng 8 cho biết họ đã tạm dừng hoạt động tại 4 nhà máy vì thiếu đường. Hồi cuối tháng 8, tại cuộc điều trần trước một ủy ban của Thượng viện Philippines, Juan Lorenzo Tanada, giám đốc phụ trách các vấn đề pháp chế và doanh nghiệp của công ty này, cho rằng ngành công nghiệp đồ uống Philippines cần ít nhất 450.000 tấn đường tinh luyện cao cấp để hoạt động hết công suất trong thời gian còn lại của năm. Theo ông, cần phải tăng cường nhập khẩu đường để tránh việc sa thải công nhân của các nhà máy này. 

Chuỗi cửa hàng bánh hamburger kẹp thịt Burger King Philippines vào tháng 8 đã thông báo với khách hàng về việc thêm rau xà lách, rau diếp và cà chua để bù cho phần hành tây bị thiếu của những chiếc bánh hamburger, mặt hàng mà cho chuỗi cửa hàng này “hơi khó kiếm vào những ngày này”.

Giáo sư khoa học chính trị Jean Franco của Đại học Philippines nói: “Các mặt hàng thực phẩm bị thiếu hụt rất phổ biến trong nhà bếp của người dân Philippines. Người dân sẽ đánh giá Tổng thống Marcos dựa trên việc giá cả có thực sự giảm hay không”.

Philippines thiếu hụt đường sau khi nước này không đạt mục tiêu về sản xuất đường do điều kiện thời tiết khắc nghiệt và chi phí phân bón tăng khiến sản lượng mía giảm. Hoạt động nhập khẩu đường vào đầu năm nay bị trì hoãn do một tòa án ra lệnh dừng nhập khẩu mặt hàng này theo yêu cầu của các nhà sản xuất đường trong nước.

Vào tháng 8, cơ quan quản lý đường Philippines đã thông qua kế hoạch nhập khẩu lên tới 300.000 tấn, nhưng Tổng thống Marcos đã nhanh chóng bác bỏ kế hoạch. Sau đó, Marcos nói rằng quốc gia này có thể phải tìm cách nhập khẩu đường để khắc phục tình trạng tăng giá. Tuy nhiên, chính phủ của ông cho rằng sự thiếu hụt đường là giả tạo, chủ yếu do các thương nhân tích trữ nguồn cung.

Về muối ăn, dù Philippines là một quần đảo với hàng nghìn km đường bờ biển, nhưng nguồn cung muối rất thấp. Nước này nhập khẩu hơn 90% nhu cầu muối vì sản lượng trong nước giảm trong những năm qua. Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp nói rằng một điều luật ban hành cách đây vài năm, yêu cầu bổ sung i-ốt vào muối đã “giết chết” ngành sản xuất muối. Bộ Nông nghiệp đang tìm cách để hồi sinh các hoạt động sản xuất muối trong nước.

Ngoài tình trạng thiếu đường và muối ăn, Philippines còn thiếu cả hành và tỏi. Thượng nghị sĩ Imee Marcos, chị gái của Tổng thống Marcos, đã yêu cầu Bộ Nông nghiệp tiến hành kiểm kê hành tây tồn kho sau khi giá tăng vọt. Bộ Nông nghiệp cho biết triển vọng về nguồn cung hành, bao gồm cả hành tím, là đủ, nhưng bộ này đang nghiên cứu xem liệu có thiếu hụt hành tây hay không.

Trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp, Domingo Panganiban cho biết, sẽ tịch thu các kho dự trữ hành tây và đường bị nghi ngờ là tích trữ đầu cơ, rồi bán lại chúng cho người dân với giá thấp hơn. Ngoài ra, Philippines nhập khẩu phần lớn tỏi mà nước này tiêu thụ và chính phủ đang tìm cách thúc đẩy sản xuất tỏi trong nước.

Philippines cũng nhập khẩu gạo, lúa mì, bắp và bã đậu nành để dùng làm thức ăn gia súc. Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự báo nhập khẩu ngô của Philippines sẽ tăng 50% lên 900.000 tấn trong niên vụ 2022/2023 so với niên vụ trước, mức cao kỷ lục kể từ khi dữ liệu được thống kê vào đầu thập niên 1960. Lượng mua bã đậu nành đã đạt trên 2,6 triệu tấn/năm kể từ niên vụ 2015/2016. Theo dữ liệu của USDA, quốc gia này là nhà nhập khẩu gạo lớn thứ hai thế giới chỉ sau Trung Quốc và là nước nhập khẩu lúa mì lớn.

 

Nguồn: Vinanet/VITIC (Theo Reuters)