Trung Quốc đang xuất khẩu lượng kỷ lục bột đậu nành (soybean meal) ra nước ngoài. Đàn heo trong nước thu hẹp và nhu cầu thịt heo yếu đã buộc các nhà máy chế biến phải xuất khẩu lượng thức ăn chăn nuôi dư thừa của mình.
Bloomberg lưu ý doanh thu yếu bất thường của các nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi là một dấu hiệu khác cho thấy nền kinh tế trì trệ của Trung Quốc đang cản trở tiêu dùng nội địa và làm đảo lộn dòng chảy thương mại.
Trong nhiều năm nay, Trung Quốc là nước nhập khẩu nông sản hàng đầu thế giới. Phần lớn nông sản nhập khẩu được dùng để nuôi lớn đàn heo khổng lồ của nước này và cung cấp đủ thịt heo cho hàng trăm triệu hộ gia đình.
Để đạt được mục tiêu đó, Trung Quốc thường nhập khẩu lượng lớn đậu nành từ Nam Mỹ và Mỹ, sau đó nghiền thành bột để chế biến thức ăn chăn nuôi và dầu ăn. Song, người dân Trung Quốc không còn chi tiêu như trước và nông dân buộc phải thu hẹp đàn heo vì giá quá thấp.
Kết quả là, giá bột đậu nành tại thị trường tỷ dân đã rơi xuống mức thấp nhất trong ba năm. Trong khi đó, xuất khẩu bột đậu nành trong 4 tháng đầu năm nay đã tăng lên gần 600.000 tấn, gấp gần 5 lần so với cùng kỳ. Nhật Bản và Anh là các thị trường nhập khẩu chính.
Dù vậy, động thái của Trung Quốc sẽ không tác động đáng kể đến nhu cầu đối bột đầu nành từ các nhà sản xuất hàng đầu Nam Mỹ. Argentina và Brazil đã xuất khẩu hơn 20 triệu tấn sản phẩm vào năm ngoái.
Liệu xuất khẩu bột đậu nành của Trung Quốc có duy trì ở mức hiện tại hay không phụ thuộc rất nhiều vào giá đậu nành và nguồn cung đậu nành ở các quốc gia Nam Mỹ, cũng như tác động tiềm tàng khi quy mô đàn heo của Trung Quốc thu hẹp hơn.
Theo Bloomberg, nhập khẩu đậu nành của Trung Quốc thường đi lên vào giữa năm. Ở diễn biến khác, các nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi Trung Quốc sẽ phải đánh giá tác động của mưa nặng hạt đến sản lượng đậu nành ở Nam Mỹ.
Bên cạnh đó, họ cũng phải tính đến căng thẳng leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc. Đây là các lý do có thể buộc doanh nghiệp Trung Quốc duy trì lượng mua, phòng nguy cơ nguồn cung sụt giảm vào cuối năm.

 

Nguồn: vietnambiz