Sau khi tăng 1.000 đồng/kg ngày hôm qua 16/5, thì hôm nay 17/5 tại Bà Rịa – Vũng Tàu và Bình Phước giá giảm trở lại, bên cạnh đó tiêu Chư Sê tại Gia Lai cũng giảm 700 đồng – đây là ngày giảm thứ hai liên tiếp. Tại Đồng Nai và Đăk Lăk giá tiêu không đổi so với ngày hôm qua.
Hiện giá tiêu được các doanh nghiệp và thương lái thu mua quanh mức 59.000 – 60.000 đồng/kg. Đặc biệt tại Gia Lai (Chư Sê) giá tiêu ở mức thấp nhất 57.500 đồng/kg.

 

Hiện giá tiêu tại thị trường nội địa giảm xuống mức thấp, nguyên nhân chính do sự phát trển của ngành hạt tiêu Việt Nam thời gian qua khá ấn tượng. Sự phát triển quá nóng về diện tích (tăng gấp 3 lần chỉ từ 2010 – 2017), mà thiếu quan tâm, đầu tư cần thiết cho chất lượng sản phẩm… đang khiến cả doanh nghiệp lẫn người trồng hạt tiêu đối mặt với nhiều rủi ro.
Riêng ở Bà Rịa-Vũng Tàu, diện tích trồng tiêu cả tỉnh đã gần gấp đôi so với quy hoạch. Theo quy hoạch, đến năm 2020, toàn tỉnh có khoảng 7.000 ha hồ tiêu, nhưng ước tính cho thấy diện tích trồng tiêu có thể chạm mốc 13.200 ha trong vòng 2 năm tới.
Năm 2018, Việt Nam sẽ vẫn giữ vị trí dẫn đầu thế giới về sản lượng hồ tiêu xuất khẩu, tương đương như 2017, với khoảng 180.000-200.000 tấn. Riêng ước tính về kim ngạch vẫn còn là ẩn số để ngỏ…
Dự báo tình hình năm nay cho nông dân và nhà sản xuất hồ tiêu tuy mang màu sắc lạc quan hơn năm ngoái, nhưng theo các doanh nghiệp và phân tích chung của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), cú sốc giảm giá kỷ lục của năm 2017 là những dấu hiệu cảnh báo sớm cho thấy một nền sản xuất tự phát đã thực sự mấp mé ngưỡng cửa rủi ro khi cung vượt cầu. Và hơn hết hồ tiêu lại là mặt hàng gia vị, không phải hàng tiêu dùng thiết yếu hay lương thực thực phẩm, nên những cuộc “giải cứu” nông sản sẽ khó phát huy hiệu quả.

Nguồn: Vinanet