Diễn biến giá hạt tiêu tại một số vùng nguyên liệu

ĐVT: Đồng/kg

Vùng nguyên liệu

11/02

14/02

16/02

Đăk Lăk

(Ea H'leo)

46.000

45.000

45.000

Gia Lai

(Chư Sê)

45.000

45.000

44.000

Đăk Nông

(Gia Nghĩa)

46.000

45.000

45.000

Bà Rịa - Vũng Tàu

47.000

46.500

46.500

Bình Phước

46.000

46.000

46.000

Đồng Nai

45.000

45.000

45.000

                                                                     Nguồn:Tintaynguyen

Giá hạt tiêu ở khu vực Tây Nguyên và miền Nam sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán ổn định ở quanh mức 46.000 đồng/kg - mức giá thấp nhất trong vòng gần 10 năm trở lại đây. Hiện Việt Nam xuất khẩu tới 95% sản lượng hạt tiêu. Do đó, để xuất khẩu hạt tiêu bền vững, vấn đề chất lượng phải được đặt lên hàng đầu.
Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp nước ngoài đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu hạt tiêu tại Việt Nam, điều này chứng tỏ ngành tiêu Việt Nam được thế giới quan tâm, vẫn được đánh giá là nơi có hạt tiêu chất lượng nhất toàn cầu.
Doanh nghiệp hạt tiêu Việt Nam cần liên kết, kết nối với các đối tác khách hàng quốc tế, hiệp hội gia vị thế giới để mở rộng thị trường tiêu thụ cho sản phẩm, gia tăng chất lượng cho sản phẩm hạt tiêu, bởi tình trạng cung vượt cầu là nguyên nhân khiến giá hạt tiêu phục hồi chậm.
Báo cáo của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) cho thấy, khối lượng hạt tiêu xuất khẩu 11 tháng năm 2018 ước đạt 220.000 tấn và 718 triệu USD, tăng 8,9% về khối lượng nhưng giảm 32,5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017.
Tại các thị trường, do giá xuất khẩu hạt tiêu giảm liên tục nên giá trị xuất khẩu tiêu sang hầu hết các thị trường trong 10 tháng năm 2018 đều giảm so với cùng kỳ năm 2017. Đặc biệt, giá giảm mạnh nhất ở thị trường Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất (giảm tới 34 triệu USD, tương đương giảm 57,7%).
Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản khuyến nghị các doanh nghiệp xuất khẩu cần chủ động khai thác tốt lợi thế là quốc gia đang nắm trong tay nguồn cung lớn và cần có bài toán kinh doanh tốt để có thể nâng giá tiêu xuất khẩu lên.
Thêm một thông tin về xuất khẩu nhựa dầu tiêu của Ấn Độ. Là nhà sản xuất pepper oleoresin (nhựa dầu tiêu) hàng đầu, năm 2016 Ấn Độ đã xuất khẩu 1.016.698 kg oleoresin với giá trị 59,7 triệu USD. Giá xuất khẩu oleoresin từ Ấn Độ năm 2016 được báo cáo ở mức cao nhất vào tháng 9 đạt 59 USD/kg, trong khi giá thấp nhất được báo cáo vào tháng 2 ở mức 49 USD/kg. Giá xuất khẩu trung bình trong năm 2016 được báo cáo ở mức 53 USD/kg.
Năm 2017, Ấn Độ đã xuất khẩu 1.321.211 kg oleoresin với tổng giá trị 64 triệu USD, ghi nhận mức tăng 18% về lượng và 7% về giá trị. Giá xuất khẩu oleoresin từ Ấn Độ năm 2017 được báo cáo ở mức cao nhất vào tháng 1 đạt 59 USD/kg, và giá thấp nhất vào tháng 12 ở mức 41 USD/kg, trong khi giá xuất khẩu trung bình đã được báo cáo ở mức 49 USD/kg. Tuy nhiên, dựa trên các dữ liệu báo cáo này, giá xuất khẩu trung bình oleoresin từ Ấn Độ năm 2017 đã giảm 8% so với năm trước.
Tính trong 9 tháng đầu năm 2018, Ấn Độ đã xuất khẩu 1.006.027 kg oleoresin với tổng giá trị 41,7 triệu USD. So với cùng kỳ năm trước, xuất khẩu oleoresin từ Ấn Độ năm 2018 đã tăng 6% về lượng nhưng lại giảm 18% về giá trị. Giá xuất khẩu trung bình trong năm 2018 (tính đến tháng 9) được báo cáo cao nhất vào tháng 5 ở mức 47 USD/kg, giá thấp nhất vào tháng 9 ở mức 34 USD/kg và giá xuất khẩu trung bình trong 9 tháng đầu năm 2018 được báo cáo ở mức 40 USD/kg. Dựa trên các dữ liệu báo cáo này, ghi nhận giá xuất khẩu trung bình oleoresin từ Ấn Độ trong giai đoạn này có mức giảm 25% và 18% so với cùng kỳ năm 2016 và 2017.
Tính đến tháng 9/2018, 10 quốc gia nhập khẩu oleoresin của Ấn Độ với số lượng lớn là Hoa Kỳ 276.979 kg, tiếp theo là Đức 128.982 kg, Pháp 74.764 kg, Trung Quốc 66.264 kg, Hà Lan 55.175 kg, Thái Lan 48.941 kg, Vương quốc Anh 47.963 kg, Philippines 36.935 kg, Canada 34.411 kg và Liên bang Nga 31.147 kg.
Pepper oleoresin là một chất cô đặc thu được thông qua quá trình chiết xuất hạt tiêu đen bằng cách sử dụng các dung môi hữu cơ như acetone, ethanol, ethylene dichloride, ethyl acetate và các dung môi hữu cơ khác.
Pepper oleoresin bao gồm một hỗn hợp dầu hạt tiêu, nhựa cây và các hợp chất alkaloid có vai trò trong mức độ cay của oleoresin. Là một loại hạt tiêu cô đặc, một kg oleoresin có thể thay thế việc sử dụng 10 kg hạt tiêu làm hương vị trong ngành chế biến thực phẩm. Oleoresin được sử dụng làm hương vị trong ngành chế biến thực phẩm như thịt hộp, nước sốt, làm nước ngọt, nguyên liệu dược phẩm, công nghiệp mỹ phẩm và nước hoa, công nghiệp đường và bánh mì, và các ngành công nghiệp khác.