Nhu cầu tăng mạnh từ ngành nghiệp ô tô và sản xuất thiết bị y tế, tình trạng thiếu container vận chuyển khiến việc nhập khẩu cao su của Ấn Độ gặp khó khăn.
Hội đồng Cao su Ấn Độ kêu gọi nông dân khai thác cao su đều đặn và các công ty hội viên tăng cường sản xuất để đảm bảo đủ nguồn cung cho thị trường trong nước.
Chính phủ Ấn Độ cũng phê duyệt chương trình hỗ trợ 9,9 tỷ Rupee để thúc đẩy tăng trưởng bền vững cho ngành cao su tự nhiên nước này.
Niên vụ 2023/24, sản lượng cao su của Ấn Độ đạt 857.000 tấn, thấp hơn nhiều so với mức tiêu thụ 1,4 triệu tấn. Trong thời gian này, lượng nhập khẩu của Ấn Độ đạt gần 500.000 tấn, trong khi xuất khẩu gần 4.200 tấn.
Hiện ngành công nghiệp ô tô và sản xuất thiết bị y tế của Ấn Độ đang ghi nhận sự tăng trưởng tích cực, kéo theo đó là nhu cầu sử dụng cao su tự nhiên cho các sản phẩm lốp xe và trang thiết bị y tế.
Thông thường, các nhà sản xuất Ấn Độ sẽ đẩy mạnh nhập khẩu cao su trước khi thị trường bước vào mùa mưa khiến việc khai thác cao su gặp khó khăn. Nhưng trong năm nay, hoạt động nhập khẩu đang gặp nhiều khó khăn do tắc nghẽn cảng biển và tình trạng thiếu container.
Hiện một số tổ chức quốc tế đánh giá sơ bộ, sự sụt giảm sản lượng cao su nội địa tại Ấn Độ sẽ khiến tình trạng thiếu hụt nguồn cung trên toàn cầu trở nên trầm trọng hơn, giúp giá cao su giữ ở mưc cao trong thời gian tới.
Theo Hiệp hội các nhà sản xuất lốp ô tô Ấn Độ (ATMA), tháng 7/2024, tình trạng mất cân đối cung - cầu cao su tự nhiên ở Ấn Độ ngày càng gia tăng.
Ngành công nghiệp lốp xe tiêu thụ khoảng 70% cao su thiên nhiên. Nhưng 30% còn lại bao gồm các công ty không sản xuất lốp xe, chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Sự khan hiếm cao su tự nhiên đã ảnh hưởng đến các công ty cao su vừa và nhỏ, cũng như các nhà sản xuất lốp xe lớn.
Do nguồn cung cao su tự nhiên khan hiếm, sản lượng tại một số nhà máy lốp cao su của các công ty thành viên ATMA giảm hơn 10% trong tháng 7.
Sự thiếu hụt trên thị trường cao su tự nhiên đã buộc các công ty lốp xe Ấn Độ phải phân bổ lại cao su tự nhiên nhập khẩu giữa các nhà máy khác nhau để duy trì hoạt động. Việc chính phủ Ấn Độ hạn chế nhập khẩu cao su tự nhiên đã khiến các công ty lốp xe cao su gặp nhiều khó khăn.
Thông tin giá cao su kỳ hạn tại châu Á ngày 05/9/2024:
Giá cao su kỳ hạn trên thị trường Nhật Bản hôm nay hồi phục sau khi giảm ba phiên trước đó, được hỗ trợ bởi giá cao su tổng hợp tăng cùng giá dầu thô ổn định.
Hợp đồng cao su giao kỳ hạn tháng 2/2025 JRUc6 trên sàn giao dịch Osaka (OSE) mở cửa tăng 2,1 JPY, tương đương 0,6% chốt ở 353,7 JPY (2,46 USD)/kg.
Hợp đồng cao su giao kỳ hạn tháng 1/2025 SNRv1 trên sàn giao dịch Thượng Hải tăng 35 CNY, tương đương 0,22% chốt ở 16.180 CNY (2.279,03 USD)/tấn. Cũng trên sàn giao dịch SHFE này, hợp đồng cao su tổng hợp butadiene (SBR) SHBRv1 giao kỳ hạn tháng 10/2024 tăng 80 CNY, tương đương 0,55% chốt ở 14.745 CNY (2.076,91 USD)/tấn.
Hợp đồng cao su kỳ hạn tháng 10/2024 STFc1 trên sàn SICOM Singapore giao dịch ở 177 US cent/kg, tăng 1%.
Đồng Yên Nhật Bản giao dịch ở mức 143,56 JPY đổi 1 USD và tăng gần 2% trong tuần. Đồng Yên hồi phục khiến các tài sản định giá bằng đồng tiền này trở nên đắt đỏ hơn với các khách hàng nước ngoài.
Thái Lan - nước xuất khẩu cao su tự nhiên hàng đầu thế giới đang phải khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra. Cơ quan khí tượng Thái Lan cảnh báo mưa lớn ở thượng nguồn Thái Lan từ ngày 08 – 10/9, có thể gây lũ quét ở một số khu vực.

Nguồn: Vinanet/VITIC/Reuters, Rubber World