Ngày 17/01/2024, EU đã đăng công báo Quy định thực hiện Quy chế (EU)2024/286 ký ngày 16 tháng 1 năm 2024, sửa đổi Quy định thực hiện (EU) 2019/1793 về việc tạm thời tăng cường các biện pháp kiểm soát chính thức và các biện pháp khẩn cấp quản lý nhập khẩu vào Liên minh một số hàng hóa từ một số nước thứ ba thực hiện Quy định (EU) 2017/625 và (EC) số 178/2002 của Nghị viện và Hội đồng Châu Âu.
Theo đó, các mặt hàng của Việt Nam vào EU sẽ chịu giám sát cửa khẩu là ớt chuông, mỳ ăn liền và sầu riêng với tần suất kiểm tra tương ứng là 50%, 20% và 10%. Như vậy, đây là lần đầu tiên sầu riêng của Việt Nam xuất khẩu vào EU bị đưa vào diện kiểm tra dư lượng sầu riêng tại cửa khẩu với tần suất 10%.
Cũng tại quy định này, đậu bắp và thanh long vẫn nằm trong phụ lục II (thêm yêu cầu giấy chứng nhận chất lượng từ Việt Nam) với tần suất kiểm tra tương ứng là 50% và 20% tại cửa khẩu EU.
Quy định có hiệu lực 20 ngày sau ngày đăng công báo.
Năm 2023, chứng kiến sự tăng trưởng ấn tượng của xuất khẩu mặt hàng sầu riêng với kim ngạch đạt hơn 2 tỷ USD, gấp hơn 10 lần so với bình quân các năm trước.
Về thị trường, hiện nay sầu riêng tươi của Việt Nam đã xuất khẩu đến 24 thị trường, sầu riêng đông lạnh cũng đã xuất khẩu đến 23 thị trường. Bên cạnh thị trường lớn nhất là Trung Quốc, các thị trường đối tác FTA đều có nhiều tiềm năng để thúc đẩy xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam.
Đối với thị trường EU, việc thực thi Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và EU (EVFTA) tạo nên lợi thế cạnh tranh, gia tăng sản lượng, đa dạng mặt hàng xuất khẩu, đặc biệt là nhóm hàng nông sản thế mạnh.
Tuy nhiên, bên cạnh thuận lợi về thị trường và thuế quan, EU lại có quy định rất nghiêm ngặt đối với chất lượng sản phẩm. Một trong những tiêu chí quan trọng trong xuất khẩu nông sản sang thị trường EU là sản phẩm phải nằm trong ngưỡng dư lượng thuốc bảo vệ thực vật tối đa cho phép, các loại hóa chất tồn dư dưới mức quy định.