Hợp đồng dầu cọ giao tháng 7 trên sàn Bursa Malaysia đầu phiên giao dịch giảm 33 ringgit, tương đương 0,47% xuống 6.954 ringgit (1.595,69 USD)/tấn, thoái lui từ mức cao nhất 7 tuần trong phiên trước đó. Hợp đồng này đã tăng 10% trong phiên trước sau khi Indonesia mở rộng phạm vi cấm xuất khẩu dầu cọ thô, dầu cọ tinh luyện, dầu ăn đã qua sử dụng cùng các sản phẩm dầu cọ khác.
Tổng thống Indonesia Joko Widodo cho biết, khi nào nhu cầu dầu trong nước được đáp ứng đủ ông sẽ dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu, bởi ông ưu tiên việc đáp ứng nhu cầu trong nước hơn việc đảm bảo nguồn thu từ thuế và xuất khẩu.
Indonesia sẽ cấm xuất khẩu dầu cọ RBD từ nửa đêm 28/4/2022 cho đến khi phần lớn giá dầu ăn giảm xuống 14.000 rupiah/lít, theo Bộ trưởng Điều phối Kinh tế Airlangga Hartarto. Lệnh cấm xuất khẩu sẽ được áp dụng đối với tất cả các nhà sản xuất olein cọ RBD và cơ quan thu mua thực phẩm nhà nước Bulog sẽ giúp một số công ty phân phối sản phẩm của họ cho các nhà sản xuất dầu ăn địa phương. Chính sách này sẽ được xem xét định kỳ, Airlangga Hartarto cho biết thêm.
Theo Sathia Varqa, đồng sáng lập của Palm Oil Analytics có trụ sở tại Singapore, lệnh cấm này sẽ khiến nguồn cung toàn cầu mất đi 1,52 triệu tấn sản phẩm dầu cọ mỗi tháng.
Trên sàn Đại Liên, giá dầu đậu tương tăng 1,6%, giá dầu cọ tăng 4%. Trên sàn Chicago, giá dầu đậu tương tiếp tục tăng sau khi đã chạm mức cao kỷ lục trước đó.
Giá dầu cọ chịu ảnh hưởng bởi giá dầu có liên quan khi cạnh thị phần trên thị trường dầu thực vật toàn cầu.

Nguồn: Vinanet/VITIC/Reuters