Báo cáo của Công ty Cổ phần Chứng khoán Agribank (Agriseco) mới đây cho biết sau khi Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) có hiệu lực, ngành đường Việt Nam chật vật khi phải cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu từ Thái Lan.
Bên cạnh đó, sản phẩm nhập lậu qua biên giới với khối lượng lớn vẫn tuồn vào Việt Nam bất chấp dịch Covid-19 và những biện pháp kiểm soát chặt chẽ. Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, trong tháng 8, nhập khẩu từ Thái Lan chỉ đạt hơn 6.000 tấn, giảm 93% so với cùng kỳ và là mức thấp nhất trong hơn 2 năm gần đây. Tuy nhiên, các tháng gần đây lượng nhập khẩu từ 5 nước ASEAN (vốn không đủ năng lực xuất khẩu) vào Việt Nam tăng đột biến so với giai đoạn trước đó. Agriseco nhận định đây có thể là động thái né thuế của đường Thái Lan, khi các nước nhập khẩu từ Thái Lan không để tiêu dùng trong nước mà đưa sang Việt Nam.
Hiện nay, ngành này đang có nhiều cửa sáng. Agriseco chỉ ra rằng việc áp thuế gần 48% cho các sản phẩm xuất xứ từ Thái Lan mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam. Bên cạnh đó, sản lượng mía dự kiến tăng 2% trong niên vụ 2021/2022 nhờ năng suất tăng và sản lượng mía đưa vào các nhà máy chế biến đạt 8,6 triệu tấn, tăng hơn 28% so với niên vụ trước.
Diễn biến giá đường. Nguồn: Hiệp hội Mía đường Việt Nam, Agriseco Research
Hiện nay, giá đường trong nước đang cao nhất trong 4 năm qua, ở mức 19.000 - 19.300 đồng/kg tại các cảng miền Bắc và miền Nam. Agriseco dự báo giá sẽ tiếp tục tăng và giữ ở mức cao trong thời gian tới.
Tuy nhiên, ngành vẫn đang đối mặt với nhiều rủi ro khi năng suất, quy mô đều thấp hơn so với Thái Lan. Thời tiết, dịch bệnh cũng là những yếu tố cần chú ý trong trung, dài hạn.

Nguồn: Đỗ Lan/NDH